Bên cạnh những tín hiệu dần khởi sắc của dòng vốn ngoại, các số liệu về kinh tế vĩ mô trong quí 3-2024 cũng cho thấy sức bật mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, qua đó tạo thành yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Khối ngoại giảm bán
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tháng 9 và nửa đầu tháng 10-2024 trong trạng thái giằng co đi ngang. Dòng tiền vào thị trường nhìn chung vẫn ở trong trạng thái tương đối thận trọng, khiến chỉ số VN-Index vẫn chưa thể chinh phục thành công vùng đỉnh 1.300 điểm. Tuy vậy, những tín hiệu lạc quan đang dần xuất hiện trở lại, dù chưa thật sự mạnh mẽ. Điển hình trong số đó là động thái giảm bán ròng của khối ngoại,
Về dòng vốn đầu tư bị động, các quỹ ETF liên tục rút vốn mạnh trong ba quí đầu năm nay, tuy nhiên quy mô rút vốn đã có phần thu hẹp trong tháng 9 vừa qua khi ở mức 713 tỉ đồng, là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Tính từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 20.900 tỉ đồng, tương đương mức giảm 27,6% của tổng tài sản vào thời điểm cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về mức 60.800 tỉ đồng.
Trong số các quỹ ETF, áp lực rút vốn tập trung nhiều nhất ở quỹ Fubon (627 tỉ đồng), đưa tổng giá trị rút ròng tại quỹ này lên mức 5.100 tỉ đồng kể từ đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các quỹ DCVFM VN30 (195 tỉ đồng), VanEck (109 tỉ đồng) và SSIAM VNFIN Lead (26 tỉ đồng) vẫn bị rút ròng nhưng quy mô đang giảm dần. Ở chiều ngược lại, tín hiệu tích cực xuất hiện ở quỹ DCVFM VNDiamond khi quỹ này ghi nhận dòng vốn vào ròng 231 tỉ đồng lần đầu tiên sau nhiều tháng rút ròng. Bên cạnh đó, quỹ KIM Growth VN30 cũng vào ròng 88 tỉ đồng.
Trong khi đó, với các quỹ đầu tư chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam, trạng thái bán ròng trong tháng 9 (320 tỉ đồng) cũng đã hạ nhiệt đáng kể so với tháng 8 (600 tỉ đồng). Đáng chú ý, dòng tiền từ các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại trong tuần cuối tháng 9 với xu hướng mạnh mẽ từ nhóm quỹ Thái Lan. Thông thường, dòng tiền của quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ có độ trễ so với các nước khác trong khu vực. Do vậy, với xu hướng vào ròng ở Malaysia và Indonesia, kỳ vọng các quỹ chủ động sẽ tiếp tục xu hướng phân bổ tỷ trọng vào Việt Nam trong thời gian tới.
Về mặt chính sách, điểm sáng trong tháng 9 là việc Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi qua đó cho phép nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền. Song song với đó là lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây sẽ là cơ sở để các tổ chức như FTSE Russell có những đánh giá tích cực cho TTCK Việt Nam trong các kỳ xét nâng hạng thị trường sắp tới.
Vĩ mô ổn định và kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tăng trưởng tốt
Bên cạnh những tín hiệu dần khởi sắc của dòng vốn ngoại, các số liệu về kinh tế vĩ mô trong quí 3 cũng cho thấy sức bật mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, GDP quí 3 ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ – vượt xa kỳ vọng và phần nào cho thấy ảnh hưởng của bão Yagi lên tăng trưởng là chưa quá lớn.
Ngoài việc tăng trưởng GDP ở mức cao, các cân đối vĩ mô vẫn được đảm bảo như lạm phát bình quân đạt 3,88% – nằm trong mức mục tiêu của Chính phủ hay tăng trưởng tín dụng, cung tiền và huy động vốn đều chỉ ra xu hướng cân bằng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định trong tháng 9 và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào cũng giúp lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 không có nhiều biến động.
Nhìn chung, với số liệu tích cực trong quí 3, việc đạt được kịch bản tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7% cho cả năm 2024 là tương đối khả thi. Theo đó, Chính phủ cũng đã đặt ra kế hoạch tăng trưởng năm 2025 khá tham vọng với kỳ vọng vào sự phục hồi trong tiêu dùng và đầu tư công. Tháng 10, tâm điểm về mặt chính sách là kỳ họp Quốc hội với việc sửa đổi các luật quan trọng như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các luật liên quan đến đầu tư công…
Về chiến lược đầu tư và danh mục cổ phiếu khuyến nghị, theo Công ty Chứng khoán SSI, nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có đà tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024. Nhìn chung, thời điểm hiện tại, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ hai yếu tố: (1) dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ở trạng thái tích cực hơn sau động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9 và số liệu kinh tế Mỹ đang nghiêng nhiều ở kịch bản “hạ cánh mềm”; (2) nền kinh tế được hưởng lợi nhờ các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết vẫn khá tích cực khi được dự báo sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2024 và tiếp tục tăng gần 20% trong năm 2025. Trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21% trong sáu tháng cuối năm 2024 – tăng tốc đáng kể so với mức tăng chỉ 6,2% trong sáu tháng đầu năm.
Về mặt định giá, các TTCK tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng phân bổ lại dòng vốn đầu tư toàn cầu khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất. Nếu điều này diễn ra, yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một yếu tố giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng tiền nước ngoài. Hiện P/E ước tính một năm của VN-Index ở mức quanh 12 lần, cao nhất từ cuối tháng 1-2024, phần nào phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cho giai đoạn nửa cuối năm 2024 và năm 2025. Tuy nhiên, định giá TTCK Việt Nam vẫn thấp hơn so với hầu hết các TTCK tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Trên cơ sở đó, VN-Index có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục đà đi lên trong quí 4-2024 cũng như trong năm 2025. Dù vậy, có một số rủi ro trong ngắn hạn nhà đầu tư cần lưu tâm là: căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang; biến động từ kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11; nền kinh tế và lợi nhuận các công ty niêm yết không phục hồi như kỳ vọng; khả năng tăng của tỷ giá trong nước khi đô la Mỹ hồi phục trở lại trên thị trường thế giới.