Theo ông Nguyễn Văn Mười – Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam, trong năm 2023, hơn 70% doanh nghiệp (DN) Việt kinh doanh sầu riêng thua lỗ do tranh mua tranh bán, xuất khẩu sầu riêng non dẫn đến vi phạm hợp đồng.
Ngày 13/3, tại TPHCM đã diễn ra Triển lãm Quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam 2024). Tại đây, nhiều DN trong nước và quốc tế đã đem nhiều mặt hàng nông sản như sầu riêng, xoài, bưởi, thanh long, các giống hoa… đến giới thiệu và tìm kiếm đối tác. Chương trình kéo dài đến ngày 15/3, dự kiến thu hút hơn 8.000 lượt khách tham quan.
Bên lề triển lãm, ông Nguyễn Văn Mười – Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam – nhìn nhận các chương trình hội chợ, triển lãm chính là cơ hội để DN tiếp cận, tìm kiếm khách hàng cũng như thị trường xuất khẩu mới trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.
“Chúng ta nên khai thác nhiều thị trường mới để đa dạng sản phẩm. Hiện nay thành viên của Hội đang tiếp cận nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan… Trước sự giảm sút của những thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ… thì những thị trường gần, thị trường mới là điều rất cần thiết cho DN xuất khẩu nông sản” – ông Mười nói.
Chia sẻ về trái sầu riêng được ví như “ngôi sao đang lên” trong năm vừa qua, khi Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, ông Mười nói rằng ngay lập tức nhiều DN Thái Lan tìm đến Việt Nam. Họ xây dựng kho ở Tây Nguyên, liên hệ với các nhà vườn và DN Việt để mua sầu riêng xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
“Sầu riêng của Việt Nam có lợi thế là cho trái quanh năm, còn Thái Lan chỉ có một thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9. Vì vậy DN Thái Lan bắt buộc phải mua hàng của Việt Nam để đáp ứng đơn hàng ở thị trường Trung Quốc” – ông Mười nói và cho biết Thái Lan cạnh tranh sầu riêng bằng việc nâng tiêu chuẩn về chất lượng, như độ khô (chất bột) từ 32% lên 35%. Sầu riêng càng già chất bột càng nhiều.
Hiện nay việc quản lý đối với trái sầu riêng ở Việt Nam chưa có quy định nào với người vi phạm, nhưng ở Thái Lan họ xây dựng luật riêng về quản lý sầu riêng và luật bảo vệ người tiêu dùng.
Sầu riêng tại Thái Lan khi được hái sẽ phải đưa đi kiểm tra, kiểm định. Nếu đạt đủ tiêu chuẩn, yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện khai thác, thu hoạch sầu riêng… Lúc đó nhà vườn mới được hái bán.
Đối với trái sầu riêng rất khó xác định độ chín. Người nông dân cố tình bán non sẽ không ai biết. Do đó, Thái Lan quy định đối với người bán sầu riêng không đảm bảo chất lượng, hái quả non sẽ bị quy tội lừa gạt người tiêu dùng và bị phạt tù lên tới 3 năm. Luật pháp rất nghiêm nên người dân ý thức trách nhiệm và không dám vi phạm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khi mặt hàng này tăng giá, có hiện tượng tranh mua tranh bán; nông dân, thương lái cố tình thu hoạch non. Khi xuất qua Trung Quốc, người tiêu dùng phản ánh sầu riêng không chín, DN Việt vi phạm hợp đồng phải bồi thường.
“Có DN phải bồi thường cả trăm tỷ đồng vì vi phạm hợp đồng. Sau đó, đối tác không tiếp tục nhận hàng của DN vi phạm. Chính vì vậy, trong năm 2023, hơn 70% DN Việt kinh doanh sầu riêng thua lỗ” – ông Mười nói.
Hiện sầu riêng đang cho trái nghịch mùa, sản lượng không nhiều nên đẩy giá thành lên cao. Nếu không có sự quản lý của nhà nước vẫn sẽ còn tình trạng tranh mua tranh bán, xuất khẩu sầu riêng kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín nông sản trong nước.
“Đối với một ngành hàng cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, Nhà nước phải tham gia vào quản lý, có chế tài răn đe người vi phạm; có cơ quan hỗ trợ kiểm định chất lượng trước khi thu hoạch…” – ông Mười đề xuất.