Việc ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, phức tạp là thành quả của quá trình nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam, qua đó từng bước khẳng định chỗ đứng của nền y học Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Sửa dị tật tim từ trong bào thai
Cách đây vài ngày, em bé không có lỗ van động mạch phổi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) can thiệp thông tim từ trong bào thai ngày 4/1 đã xuất viện với sức khỏe ổn định. Đây là ca thông tim bào thai đầu tiên thành công ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á.
Sau hơn 10 ngày được “sửa tim” từ trong bào thai, ngày 30/1, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp mổ đẻ cho chị D.D.L. – 27 tuổi, ở TP Đà Nẵng. Bé trai chào đời cất tiếng khóc to, rõ khiến ai cũng vui mừng. Sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 chăm sóc, theo dõi. Đến nay, bé chỉ phải nong van động mạch phổi 1 lần và không phải đặt stent ống động mạch như những bé mắc bệnh tương tự. Ngay trong mùng Một tết Giáp Thìn, bé đã bú sữa mẹ và được chuyển ra phòng ngoài với mẹ cho tới khi xuất viện.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín – Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người trực tiếp thông tim bào thai – trước đây, với dị tật tim bẩm sinh, bác sĩ phải chờ em bé được sinh ra, đủ điều kiện về cân nặng, tuổi tác mới phẫu thuật hoặc can thiệp, chủ yếu là đưa về tim một thất. Phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh rất phức tạp, hầu như cuối cùng đều phải ghép tim. Trong thời gian chờ đợi, bệnh thường trở nặng, khó điều trị hoặc bệnh nhi tử vong.
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín đánh giá, thành công của ca này là nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều bác sĩ ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, quan trọng nhất là siêu âm tim thai, chẩn đoán và điều trị tiền sản: “Bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã luôn theo dõi sát thai nhi; bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương của Bệnh viện Từ Dũ là người đâm kim xuyên bụng vào tử cung của thai phụ thành công, giúp tôi có đường luồn dụng cụ đến trái tim thai nhi để sửa chữa. Sau đó, nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng đã thay phiên nhau chăm sóc, theo dõi kỹ càng thai phụ, thai nhi, cho đến lúc bé chào đời, xuất viện”.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước ca can thiệp thành công này, ông từng thất bại với ca bệnh tương tự. Khi đó, ông phải chế lại thiết bị từ dụng cụ phẫu thuật cho người lớn. Mỗi khi được ra nước ngoài công tác, ông luôn xin đồng nghiệp nước bạn cho xem quá trình can thiệp để học hỏi. Ngày 12/6/2023, ông đã cùng ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ lần đầu tiên can thiệp bào thai, phẫu thuật tắc mạch máu nuôi khối bướu để điều trị tình trạng thiếu máu bào thai. Đây là ca phẫu thuật đơn giản nhưng đã giúp ông có thêm sự tự tin sau này.
Với ca thông tim bào thai thành công, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nhận định: “Bên cạnh sự phối hợp tốt trong các khâu, việc có dụng cụ chuyên dụng phù hợp cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công”. Sau ca này, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín đã đến Myanmar, Indonesia, Nhật Bản để cùng những bác sĩ các nước này can thiệp tim mạch cho bệnh nhi cũng như chuyển giao kỹ thuật. Theo ông, đây là cách để thế giới biết rằng nền y học Việt Nam đang tiến bộ từng ngày, cũng là cách để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vi nội soi điều trị u sàn sọ phức tạp
Từ kỹ thuật nội soi vá rò dịch não tủy qua đường mũi, các bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã “nâng cấp” lên kỹ thuật vi nội soi và vi phẫu trong điều trị u sàn sọ phức tạp.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thanh Tình – Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM – cho biết, trước đây, để điều trị u sàn sọ phức tạp, các bác sĩ phải mổ hở từ thái dương trái qua thái dương phải, khoan sọ, vén não khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương thần kinh cũng như có tâm lý sợ hãi, lo lắng trước ca mổ. Còn hiện nay, các bác sĩ phẫu thuật bằng nội soi, ca mổ chỉ kéo dài trong 4 giờ.
Theo bác sĩ Trương Thanh Tình, có nhiều dạng u sàn sọ khác nhau, phát triển ở sàn sọ – nơi tiếp giáp giữa não bên trên với não bên dưới (hệ thống xoang mũi, ổ mắt, hố sọ giữa, hố sọ sau). Đối với các tổn thương sàn sọ lớn, phức tạp, lan tới cả trên và dưới sàn sọ, việc tiếp cận khối u bằng cả vi phẫu và vi phẫu thuật giúp các bác sĩ tối ưu hóa góc nhìn, tiếp cận tổn thương từ nhiều hướng để loại bỏ tối đa tổn thương đồng thời tăng tính an toàn cho người bệnh.
Phẫu thuật nội soi giúp đường mổ nhỏ, ít ảnh hưởng đến thần kinh vận động của người bệnh, có thể lấy hết các mô tổn thương, thời gian mổ ngắn. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh được gắn thiết bị định vị khối u, các thiết bị để theo dõi liên tục sự toàn vẹn của hệ thống thần kinh, các dây thần kinh sọ não nhằm cảnh báo và hạn chế tối đa tổn thương thần kinh. Sau ca mổ, bệnh nhân không phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt mà chỉ cần ở phòng thường. Trước ca mổ, người bệnh không cần cạo tóc; sau ca mổ, người bệnh có thể đi lại, ăn uống bình thường, có thể sinh hoạt, đi làm chỉ sau 3-7 ngày.
Phẫu thuật nội soi qua mũi, xoang để loại bỏ các tổn thương sàn sọ là phương pháp mới, ngày càng được phát triển và mở rộng trong việc tiếp cận nhiều tổn thương khó mà trước kia không thể phẫu thuật như u hốc mắt, u vùng xương bản vuông…
Bác sĩ Trương Thanh Tình cho biết, hiện tại, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh vẫn phải dùng chung thiết bị với Khoa Tai Mũi Họng. Lãnh đạo bệnh viện đã triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị chuyên dụng cho vi nội soi từ nước ngoài. Bệnh viện cũng có chương trình đào tạo, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm vi nội soi và vi phẫu điều trị u sàn sọ phức tạp cho đồng nghiệp trong và ngoài nước.