Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Phạt đau để nhớ mãi

Tình trạng náo loạn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả và người trong cuộc,

* NSƯT Lê Nguyên Đạt (chủ tịch hội đồng Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM):

Biết sai vẫn làm là suy thoái về đạo đức

Gần đây có nhiều trường hợp nghệ sĩ thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm, vô tình hoặc cố tình tiếp tay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

Đặc biệt, quảng cáo sai những sản phẩm liên quan đến sức khỏe là điều vô cùng nguy hiểm.

Nghệ sĩ giờ nhiều người không chỉ quảng cáo mà còn bán hàng trên mạng luôn.

Từ sự lan truyền chóng mặt của mạng xã hội khiến họ cảm thấy “hiệu quả” nên tự làm đầu mối cung cấp các sản phẩm đó.

Hoặc có sản phẩm người ta không nhờ, nghệ sĩ tự giới thiệu để bổ sung vào danh mục hàng hóa mà họ đang bán. Họ tự nghiên cứu theo cách của họ, và cứ thế quảng cáo nói quá lên để bán được hàng. Rồi họ còn liên kết lại với nhau dẫn đến sai phạm càng tăng lên.

Ví dụ, một nghệ sĩ bán hàng lâu quá, gương mặt bị cũ trên trang nhà, thế là họ rủ rê qua “nhà” nhau, người này đưa mặt vô trang của người kia để tăng view, like. Như vậy là kéo theo một cộng đồng nghệ sĩ vi phạm.

Chưa hết, không ít nghệ sĩ dần dần khai thác chính tên tuổi của mình. Và có những người không xác định được mình là người kinh doanh hay nghệ sĩ, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm và như thế nối tiếp những bất cập…

Nghệ sĩ biết sai mà vẫn làm nghĩa là có sự suy thoái trầm trọng về mặt đạo đức.

Nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng, nên mức độ lan tỏa rất cao, một khi nói sai nói bậy thì ảnh hưởng công chúng rất lớn, vì vậy đó phải là tình tiết tăng nặng khi xử lý các sai phạm. Chứ nếu chỉ phạt hành chính năm ba triệu họ vẫn chưa sợ, và tính răn đe không cao.

Tôi cho rằng bộ, cục, các hội nên có sự liên kết chặt chẽ với nhau vì họ nắm trong tay rất nhiều nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ vi phạm, các cấp ở trên có thể yêu cầu bên dưới có động thái khiển trách, cảnh cáo, thậm chí khai trừ ra khỏi hội hoặc tước danh hiệu. Và những thông tin này phải đưa lên những kênh chính thống cho mọi người biết.

Nghệ sĩ không sợ mất mấy triệu nộp phạt, mà họ rất sợ uy tín, danh dự bị mất đi, bị khán giả tẩy chay, không còn được làm nghề. Đó là cái án rất nặng.

Trong giới làm nghề còn có “án ngầm”, nghĩa là khi người nghệ sĩ bị xử phạt, làm mất đi hình ảnh đẹp thì không ai muốn cộng tác, không được cho lên sóng. Chúng ta phải làm mạnh cả biện pháp bên trong lẫn bên ngoài để đủ răn đe.

Một bộ phận nghệ sĩ làm bậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín nghệ sĩ nói chung. Công chúng chán ghét nghệ sĩ sẽ kéo theo văn hóa đi xuống, ảnh hưởng rất nhiều mặt của xã hội.

Ở góc độ nhà trường, chúng tôi nghĩ mình phải có nhiệm vụ cho các sinh viên thấy trách nhiệm, ý thức của người nghệ sĩ khi tham gia các hoạt động quảng cáo.

Thời gian gần đây có trường hợp người phát ngôn bậy bạ trên mạng bị bắt, vậy là mạng xã hội gần đây giảm hẳn người lộng ngôn, nói bậy. Với trường hợp nghệ sĩ quảng cáo bất chấp cứ làm mạnh tay vài trường hợp, các nghệ sĩ khác thấy sẽ ngán. Chứ còn thả nổi như hiện nay thì hết sức lo ngại.
Nghệ sĩ Lê Nguyên Đạt

* Đạo diễn Hoàng Duẩn (giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM):

Nghệ sĩ cần tỉnh táo

Không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới nghệ sĩ quảng cáo cũng nhiều bởi họ có tên tuổi, hình ảnh được công chúng biết đến, chúng ta không cấm họ tham gia quảng cáo được.

Nghệ sĩ đôi lúc họ không rành về luật và lại… vô tư. Trong tình hình sô diễn ngày càng ít, rồi nhận thấy những quảng cáo đó kiếm tiền dễ, người này làm được chắc mình cũng làm được nên họ cứ thế nhận thôi.

Tôi nghĩ nghệ sĩ không ai cố ý hại khán giả của mình đâu. Nhưng mạng xã hội giờ có sức ảnh hưởng rất lớn nên trong giai đoạn này người nghệ sĩ càng cần phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình. Nhất là với quảng cáo nên cẩn thận.

Nghĩa là nghệ sĩ cần tỉnh táo và không được buông lỏng bản thân. Cần phải nhận ra những quảng cáo quá đà, sai sự thật để biết nói lời từ chối.

Nghệ sĩ lên truyền hình cả triệu người biết, mình nói một câu là người ta sẽ tin nên quảng cáo sản phẩm mà không biết nó như thế nào, làm ảnh hưởng tới sức khỏe những người yêu mến mình thì thật nguy hiểm.

Ví dụ khi nhận quảng cáo thuốc cũng phải rất thận trọng. Nghệ sĩ nên đề nghị người ta cung cấp những giấy tờ chính thống chứng minh chất lượng sản phẩm.

Trong hợp đồng quảng cáo mình cũng phải ghi vào đàng hoàng, cụ thể. Khi nói phải dẫn lời từ nhà chuyên môn chứ mình có phải bác sĩ đâu mà nói như đúng rồi. Nói bừa nó nguy hiểm cho khán giả và cho cả bản thân mình nữa.

Có một thời gian nghệ sĩ không để ý vấn đề này. Giờ dư luận lên tiếng thì nghệ sĩ phải quan tâm và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong các cơ quan chức năng siết chặt quản lý thông tin trên mạng, phải có biện pháp chế tài những sai phạm để người ta sợ không dám làm bậy. Chứ kênh YouTube giờ tôi thấy người ta đưa tùm lum, rồi bịa đặt, cắt ghép thông tin, hết sức nguy hiểm bởi vì rất nhiều người coi.

Nhiều nước đã quy trách nhiệm với người quảng cáo

Tài tử Hollywood Pierce Brosman cáo buộc nhà sản xuất PanBahar đã vi phạm hợp đồng với ông khi dùng hình ảnh ông như một đại sứ thương hiệu cho toàn bộ dòng sản phẩm của họ- Ảnh: Hindu

Từ cuối tháng 10 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ban hành những quy định cụ thể nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng và nghệ sĩ giải trí.

Mục tiêu chung của các quy định này theo trang Chinanews là nhằm tạo cơ chế để những người nổi tiếng khi quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà họ quảng bá, đồng thời bản thân nghệ sĩ cũng cần tránh xa các xì căng đan.

Cụ thể, trong các quy định mới do cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường, Cơ quan quản lý không gian mạng và 5 cơ quan chính phủ khác của Trung Quốc ban hành đã nêu rõ các điều khoản cấm người nổi tiếng bảo chứng cho các sản phẩm phi pháp hoặc chưa được cấp phép.

Nghệ sĩ cũng không được quảng cáo cho thuốc lá hoặc các sản phẩm thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử), giáo dục ngoài nhà trường, chăm sóc y tế, các loại thuốc, các thiết bị y khoa, các thực phẩm công thức hoặc thực phẩm chức năng.

Ngoài ra quy định cũng yêu cầu cụ thể những người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo của họ. Trước hết là các nội dung quảng cáo không được phóng đại chất lượng sản phẩm.

Khi quảng cáo sản phẩm nào, người nổi tiếng cũng phải sử dụng đầy đủ sản phẩm đó trong suốt thời gian họ tham gia quảng cáo. Điều này có nghĩa họ phải sử dụng thực sự chứ không phải chỉ dùng mang tính chất minh họa, để có thể thẩm định chất lượng sản phẩm.

Trong trường hợp quảng cáo các sản phẩm điện tử, ô tô hay các sản phẩm công nghệ, người nổi tiếng cũng phải dùng đúng mẫu sản phẩm họ đang quảng cáo chứ không phải mẫu khác.

Nếu người nổi tiếng quảng cáo cho một sản phẩm hướng tới trẻ em hay một giới tính trái ngược với họ (có nghĩa bản thân họ không thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm) thì những người ruột thịt của họ cũng phải đã sử dụng sản phẩm đó một cách đầy đủ, trọn vẹn.

Quy định cũng nêu rõ người nổi tiếng và các cơ quan quản lý họ sẽ bị phạt và nêu tên công khai trước dư luận nếu đưa ra những thông tin quảng cáo sai hoặc mập mờ về sản phẩm/dịch vụ.

Giống như Trung Quốc, tháng 6-2022 Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng trung ương (CCPA) của Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về việc “Ngăn chặn quảng cáo lừa đảo và sự bảo chứng cho quảng cáo lừa đảo, năm 2022”. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng với mọi loại hình quảng cáo.

Theo báo Hindu (Ấn Độ), CCPA có thể áp mức phạt tới 1.000.000 rupi Ấn Độ (12.142 USD) với các nhà sản xuất, đơn vị quảng cáo và những người tham gia quảng cáo nếu có những quảng cáo sai lệch hoặc gây hiểu lầm; mức phạt lên tới 5.000.000 rupi (60.717 USD) cho những lần tái phạm.

Cơ quan này cũng có thể cấm người vi phạm về quảng cáo sai lệch không được hành nghề quảng cáo trong một năm, với trường hợp tái phạm, thời gian cấm có thể lên tới ba năm.

Xử làm gương, bao giờ?

Dư luận đồng tình với cách đặt vấn đề cần xử lý những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sau loạt bài điều tra về thuê mướn, dàn dựng quảng cáo giảm béo sai sự thật.

Loạt bài đánh trúng ba vấn đề mà xã hội đòi hỏi phải chấn chỉnh: nạn cơ sở núp bóng y tế quảng cáo sai sự thật để moi tiền khách hàng; nạn nghệ sĩ, người nổi tiếng nhắm mắt “nổ” quá mức cho các cơ sở này và thứ ba là tiền vẫn được bơm cho các thông tin xấu (như quảng cáo sai sự thật) độc trên không gian mạng.

Những gian dối, núp bóng y tế để moi tiền người tiêu dùng không mới, nay được khuếch trương, quảng bá rầm rộ nhờ mạng, được lặp đi lặp lại như trêu chọc dư luận, thách thức pháp luật.

Hệ quả là ngành y tế chỉ có thể chạy theo giải quyết hậu quả. Đã có rất nhiều bệnh nhân “tiền mất, tật mang”, thậm chí biến chứng tử vong chỉ vì tin vào các phương pháp, bài thuốc “thần dược” quảng cáo trên mạng.

Kế đến là vấn nạn nghệ sĩ khai thác tối đa tên tuổi của mình để có tiền, tiếp tay cho quảng cáo bẩn, sai sự thật. Hiếm khi báo chí đề cập đích danh tên tuổi nghệ sĩ tiếp tay cho quảng cáo bẩn, có chăng chỉ là “nhắc khéo” ông A, bà B, chị C.

Nghệ sĩ trong lòng công chúng vốn là “tượng đài”, phải chăng đó là lý do dẫn đến sự nể nang, ngại “điểm mặt, chỉ tên”? Không, với loạt bài điều tra, hành vi nhận cát sê “khủng” để quảng cáo láo được công khai, kể cả người có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Chẳng lẽ những hành vi đó chưa đủ để cơ quan chức năng để mắt, làm rõ vụ việc? Hay những quảng cáo sai sự thật này lại cũng sẽ được trôi qua, thêm một quảng cáo “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”?

Và một vấn đề đang rất nóng, đó là phải gấp rút trả lại môi trường lành mạnh cho không gian mạng thông qua việc cắt “nguồn sữa” từ các doanh nghiệp quảng cáo đang nuôi các kênh xấu, độc, nuôi những “nhà sáng tạo nội dung” kiểu như YouTube khai thác sai sự thật đời tư nghệ sĩ mà dư luận bức xúc thời gian qua…

Ở loạt bài điều tra, với 80 triệu đồng, đã có một clip quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.

Cứ thế này, nếu cơ quan chức năng không ghé mắt xử lý, sẽ còn có thêm bao nhiêu quảng cáo sai sự thật, dòng tiền nuôi các “nhà sáng tạo nội dung xấu độc” trên môi trường mạng vẫn vô tận, chưa biết đến khi nào, bao giờ không gian mạng mới dần lành mạnh như mong muốn của xã hội?

Số liệu cập nhật đầu năm 2023 cho thấy Việt Nam có trên 70 triệu người (chiếm 71% dân số) dùng mạng xã hội, đứng vị trí thứ 6 trong 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với gần 50 triệu người dùng.

Có rất nhiều việc phải làm để trả lại lành mạnh cho không gian mạng, như công khai danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White List) khuyến khích quảng cáo, cũng rất cần chấn chỉnh vấn nạn quảng cáo sai sự thật từ những vụ việc điển hình được nêu ra.

Theo Báo Tuổi trẻ