“Ngôi nhà chung” của doanh nghiệp Kiên Giang

Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu suy giảm khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Bà Phạm Thị Như Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Kiên Giang.

Trao đổi với DĐDN, bà Phạm Thị Như Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Kiên Giang khẳng định, với vai trò “ngôi nhà chung”, HHDN không chỉ là nơi để các doanh nghiệp đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm mà còn tổ chức, kết nối, hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, phát triển và hội nhập.

Theo bà Phượng, năm 2024, nền kinh tế toàn cầu suy giảm khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như, suy giảm thị trường xuất khẩu do, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, EU, và Trung Quốc; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự biến động giá cả năng lượng; Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi; Tuyển dụng và giữ chân lao động có tay nghề cao; Áp lực về tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, giảm phát thải carbon…

– Trước những khó khăn trên Hiệp hội đã khẳng định vai trò “ngôi nhà chung” giúp doanh nghiệp trụ vững, phát triển?

HHDN đã triển khai mô hình coffee doanh nhân nhằm kết nối doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh. Cùng với đó, Hiệp hội phối hợp tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo và các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng lãnh đạo, và các kỹ năng chuyên môn cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất, và bắt kịp xu hướng phát triển mới.
Ví dụ như, phối hợp với Sở TT&TT Kiên Giang tổ chức Hội thảo “các nền tảng số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với an toàn thông tin chuyển đổi số”, phối hợp với Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc tổ chức Lễ hội truyền thống nước mắm Phú Quốc – Kiên Giang 2024, Tổ chức tôn vinh ngày Doanh nhân Việt Nam…

Đồng thời, Hiệp hội cung cấp thông tin thị trường, cập nhật những xu hướng kinh tế trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các sự kiện kết nối doanh nghiệp và hội chợ triển lãm.

Đáng chú ý, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ trong phát triển bền vững, Hiệp hội đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, tự động hóa quy trình sản xuất và áp dụng các mô hình kinh doanh mới…Đặc biệt, các doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng thương hiệu uy tín và thu hút đối tác cũng như khách hàng trong nước và quốc tế.

– Với chính quyền tỉnh, chắc hẳn đã có những giải pháp góp phần giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh thưa bà?

Chính quyền tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để gia hạn nộp thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế VAT theo quy định. Tỉnh phối hợp với các tổ chức tín dụng để đảm bảo các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư và các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai. Việc số hóa và đơn giản hóa các quy trình hành chính, các dịch vụ công trực tuyến đã giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng với các thủ tục pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng. Mặt khác, tỉnh tổ chức và phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối cung, cầu giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, thị trường xuất khẩu mới trong và ngoài nước. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất và chuyển đổi số để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế, nâng cấp các KCN, cảng biển và hệ thống giao thông để thu hút đầu tư, giảm chi phí logistics và thời gian vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp…Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời và phù hợp.

– Để môi trường đầu tư kinh doanh Kiên Giang ngày càng thông thoáng, bình đẳng, minh bạch. Với vai trò Chủ tịch HHDN tỉnh, điều gì khiến các doanh nghiệp còn băn khoăn?

Thực tế, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng quy trình xử lý giấy tờ ở một số lĩnh vực còn phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí do việc thay đổi các Luật, Nghị định Thông tư.

Một trong những băn khoăn lớn của doanh nghiệp là sự không đồng bộ trong việc áp dụng các chính sách giữa các cấp quản lý. Các doanh nghiệp lo ngại về sự thiếu nhất quán trong việc thực thi các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn và đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Mặt khác, ở một số khu vực, đặc biệt là các KCN và vùng nông thôn, hệ thống giao thông, điện, nước và viễn thông vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí vận chuyển, logistics và gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư mới cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ mới. Với xu hướng hội nhập và mở cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng cạnh tranh khi họ phải đối mặt với các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường và lao động, trong khi nguồn lực tài chính và kỹ thuật còn hạn chế…

– Trân trọng cảm ơn bà!

5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Kiên Giang có 556 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 3.870 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh lên hơn 12.300 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 210.000 tỷ đồng.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp