Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết sức mua của mùa Tết năm nay có thể thấp hơn mọi năm. Để tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp phải tìm cách đa dạng phương thức bán hàng, chủng loại sản phẩm, đồng thời thực hiện các chương trình khuyến mại.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, thời điểm này, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn hàng hóa để phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Dự báo sức mua mùa Tết yếu
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nguồn hàng phục vụ Tết năm nay rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại, theo đó các doanh nghiệp đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.
Theo nhiều doanh nghiệp, bài toán “đau đầu” nhất năm nay là kích cầu tiêu dùng mùa Tết. Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Thủy sản Nghệ An cho biết, doanh nghiệp này chuyên phân phối sản phẩm nước mắm Cửa Lò với thương hiệu có thâm niên trên 70 năm. Hiện nay, công ty đang liên kết với các chuỗi siêu thị lớn, nhà phân phối để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nhận định năm nay tình hình kinh tế khó khăn, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng, ông Hùng cho biết, doanh nghiệp sẽ tìm đến kênh phân phối trực tiếp ở các khu công nghiệp. “Chúng tôi sẽ có chương trình bán hàng ưu đãi, giảm giá để công nhân nghèo có thể tiếp cận sản phẩm, từ đó cũng tăng cường sức mua”, ông Hùng nói.
Hiện nay, sản phẩm nước mắm Cửa Lò đã được hiện diện tại một số siêu thị ở Lào, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Rumani… Vì vây, dịp Tết cổ truyền, doanh nghiệp cũng tranh thủ để đẩy mạnh phân phối qua kênh này.
Với sản phẩm trà hoa vàng, ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cũng nhận định, dự báo sức mua năm nay tương đương năm ngoái do kinh tế khó khăn. Theo đó, dự kiến sản lượng năm 2023 tăng 30% so với năm 2022 nhưng doanh thu sẽ không tăng.
Ông Duật cho biết, do chi phí sản xuất trà hoa vàng theo tiêu chuẩn hữu cơ khá cao nên doanh nghiệp khó giảm giá bán, để thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ triển khai giải pháp như đa dạng sản phẩm chế biến sâu với giá bán thấp, phục vụ phân khúc bình dân, cũng như đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua yếu, DN chỉ dự trữ lượng hàng Tết, tăng khoảng 15 – 20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến.
Theo bà Chi, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp lương thực, thực phẩm bị đội lên nhưng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.
Cần thêm ‘đòn bẩy’ về thuế
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thương mại và Chiến lược MM Mega Market Việt Nam, nhận định, hiện nay khách hàng hướng đến sản phẩm có giá thấp hơn, tập trung vào giá trị sản phẩm. Điều này đòi hỏi, nhà sản xuất cần kế hoạch, dự báo sản xuất cụ thể… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng tác động lan tỏa từ chính sách kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng.
“Nhiều ý kiến cho rằng cần thêm giải pháp cho sức mua thị trường, đẩy mạnh hơn tín dụng tiêu dùng trong những tháng cuối năm, tiếp tục chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp”, ông Toàn nói.
Ông Toàn chia sẻ: “Tất cả doanh nghiệp sản xuất chúng tôi tiếp xúc đều nói đến bài toán giảm chi phí kinh doanh và chấp nhận chương trình giảm giá kích cầu, đặc biệt là chương trình khuyến mại tập trung giảm giá đến 100% của Sở Công Thương TP HCM đang triển khai”.
Đồng thời, giải bài toán kích cầu tiêu dùng không chỉ mùa Tết mà còn là câu chuyện cần bàn tới cho cả năm 2024 tới. Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.
Theo ông, khuyến khích “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt” cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế giá trị gia tăng là đóng góp nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm từng lần 6 tháng theo kiểu “dò đá qua sông” sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.
Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu.
Bên cạnh đó, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.