Nhờ những bước chuyển về tư duy, những khái niệm như nông trại hữu cơ, nhà lưới công nghệ Israel, tưới tự động… giờ không còn xa lạ với nhiều người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cao Bằng.
Cách đây tròn 7 năm, sau khi có cơ hội trải nghiệm thực tế ở những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, từ Israel đến Mỹ, chàng kỹ sư Nguyễn Văn Võ quyết định dừng chân trên mảnh đất xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng để khởi nghiệp với HTX chuyên về nông nghiệp.
Tạo khác biệt với công nghệ cao
Nguyễn Văn Võ quê gốc ở Yên Bái, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh quyết định thi vào trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu và tạo nhiều việc làm từ nông nghiệp sạch của mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, với thành tích xuất sắc, Võ nhận được nhiều cơ hội đi học tập tại nhiều quốc gia tiên tiến, có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu. Điển hình là chuyến tham quan thực tế tại Israel vào năm 2011, tận mắt chứng kiến cách làm nông nghiệp công nghệ cao của người dân bản địa.
“Sang Israel, trong thời gian thực tập, bên cạnh thời gian trên giảng đường, tôi được đến thăm các trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, nhìn mà choáng ngợp. Lúc đó, tôi nhận ra chỉ có áp dụng khoa học – kỹ thuật, nông dân mới có thể gia tăng giá trị sản xuất”, anh Võ chia sẻ.
Trở về sau chuyến thăm “vương quốc nông nghiệp công nghệ cao” Israel, anh Võ quyết định học lên thạc sĩ, tiến hành nghiên cứu sâu hơn về khoa học cây trồng.
Năm 2016, anh Võ đăng ký chương trình thực tập nghề nghiệp tại Mỹ. Nếu ở Israel, anh có cơ hội tìm hiểu về công nghệ tưới nhở giọt, về cách người dân bản địa dùng công nghệ cao để khắc phục những khó khăn về thời tiết, thì khi sang Mỹ, anh có cơ hội học hỏi về công nghệ tự động hóa.
Sau hơn 6 năm liên tục đi qua các nền nông nghiệp tiên tiến, trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm, năm 2017, anh Nguyễn Văn Võ quyết định từ chối nhiều lời mời làm việc mức lương nghìn đô la để trở về mảnh đất Cao Bằng – vùng đất anh từng thực hiện một dự án hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời cũng là nơi anh “bén duyên” với vợ mình.
Tại Cao Bằng, anh Võ liên tục tham gia những dự án về nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ Cao Bằng.
Với sự kiên trì, chịu khó, thành công đã đến với anh. Đến nay, bên cạnh việc hỗ trợ được hàng nghìn hộ dân tiếp cận khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh sở hữu khu nhà lưới rộng 3.000 m2 trồng các loại rau quả hữu cơ ở xóm Nam Phong, trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Năm 2022, anh Võ thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Phong gồm 11 thành viên, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên và thời vụ. HTX liên kết phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm quả ớt cho hàng trăm hộ nông dân ở huyện Hòa An, Hà Quảng…
Thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị
Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Võ chỉ là một trong rất nhiều mô hình khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, ở khắp các địa phương ở Cao Bằng.
Điển hình, sau hơn gần 5 năm, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, chị Đoàn Thu Trang, Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Anh và các thành viên HTX đã xây dựng thành công khu canh tác nông nghiệp hiện đại với các loại cây trồng chủ lực gồm dâu tây, rau mùa hè, hoa hồng, trên tổng diện tích 4 ha.
Theo Giám đốc HTX Đoàn Thu Trang, việc thay đổi tư duy sản xuất để sản xuất theo hướng công nghệ cao giúp thành viên, người lao động HTX gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời giảm thiểu công lao động, đảm bảo sức khỏe, tinh thần.
Đơn cử, với khu nhà lưới hiện đại, HTX hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nắng mưa không còn ảnh hưởng quá lớn đến thời vụ của cây trồng, giúp thành viên tự tin thâm canh, tăng năng suất, triển khai những loại cây trồng “khó tính” giá trị cao như dâu tây, hoa hồng…
Khu nhà lưới cũng góp phần giảm thiểu các loại côn trùng gây hại, các loại bệnh, nấm mốc do thời tiết gây ra, giúp HTX hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hay việc ứng dụng máy móc vào khâu tưới tiêu cũng đang giúp thành viên HTX giảm 60 – 70% công lao động.
Nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, khu sản xuất của HTX vừa cho thu hoạch chế biến, vừa phục vụ du khách trải nghiệm tham quan, thu hái, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Được biết, khi mở rộng mô hình, HTX Trường Anh đã nhận được các nguồn lực hỗ trợ thiết thực về vốn sản xuất, tập huấn về quản trị, quản lý HTX, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hiện, tỉnh đã quảng bá, hỗ trợ đầu ra cho HTX, hướng dẫn HTX tham gia vào chương trình OCOP.
Thêm các động lực phát triển
Những diễn biến thực tiễn cho thấy, quá trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Cao Bằng đang cho thấy kết quả tích cực. Để có được thành công hiện tại, Cao Bằng đã ban hành Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn năm 2030” trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh công nghệ cao đang là xu thế và coi đây là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng ưu tiên ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa với 6 mô hình liên kết cấp tỉnh, 57 mô hình liên kết cấp huyện; thực hiện rà soát các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh ban hành Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh xác định mục tiêu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp để ổn định sản xuất, vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh.
Đồng thời, hình thành các khu, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là các dự án Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa; chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Tiếp tục thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn…