Người viết sử ngành: Để lại một gia tài cho thế hệ tiếp nối

Trong cuộc đời người phụ nữ xinh đẹp và quả cảm này, bà đã tạo nên kỳ tích khi cứu với không chỉ một doanh nghiệp dệt trên bờ vực phá sản, mà còn thu vén khéo, để lại cả gia tài đồ sộ cho thế hệ sau. Bà là Lê Thị Lý – Nguyên Giám đốc Nhà máy Dệt Phước Long, Nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty Dệt Việt Nam và Nguyên Tổng Giám đốc công ty Dệt Việt Thắng.

Tự cứu mình, nuôi dưỡng sản xuất

Sau giải phóng, bà Lê Thị Lý khi đó ngoài bốn mươi tuổi, được giao nhiệm vụ làm việc tại Nhà máy Dệt Phước Long, với cương vị từ Phó Giám đốc, rồi Giám đốc. Kể từ giai đoạn 1979 – 1983, nhà máy ở trong tình trạng vô cùng khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, trong bối cảnh kinh tế nước nhà suy thoái trầm trọng. Nằm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nhưng Nhà máy Dệt Phước Long lại thuộc diện Trung ương quản lý, lúc ấy, tình trạng máy móc hư hỏng tới 80%, không phụ tùng thay thế, phải đắp chiếu nằm chờ. Không nguyên liệu, máy móc không hoạt động, công nhân không có việc làm, thậm chí đói ăn.

Nhà máy Dệt Phước Long khi ấy có tới 3000 công nhân, phần lớn là lao động nữ. Do thiếu việc nên Nhà máy buộc phải để 50% người lao động nghỉ làm. Số công nhân thuộc diện nghỉ việc, người thì chạy chợ, người về nông thôn kéo xe, người đi vùng kinh tế mới, thất tán hết cả.  Bà Lê Thị Lý đau lòng khi nhìn quang cảnh còn lại. Hơn 1000 máy dệt thoi, 20 máy dệt kim bằng. Năng lực thiết kế 30 triệu mét một năm mà lúc ấy chỉ sản xuất được 5 triệu mét/năm. Nguyên liệu trong kho thì sắp cạn mà nguyên liệu mới thì không nhập khẩu được. Công nhân còn lại chỉ làm việc cầm chừng, nhiều chị em không có tiền đong gạo, xin với bà Lý cho được làm bất cứ việc gì để được bữa ăn trưa ở nhà máy. Bữa trưa ấy, có chị em chỉ dám ăn một nửa, còn lại đùm gói mang về nhà để con nhỏ và mẹ già ăn.

Bà Lê Thị Lý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1987

Bà Lý tìm cách tháo gỡ, tạo việc làm, trước mắt để công nhân bớt đói. Chủ cũ của nhà máy có lập xưởng gạch, bà cho tận dụng xưởng này làm gạch với nguyên liệu còn lại như đá, vôi, xi măng… tạo việc làm cho hơn 100 công nhân, tuy nhiên công việc rất vất vả. Từ hai hầm sợi phế thải, chủ cũ đã vứt bỏ lâu ngày thành hầm rác. Bà cho công nhân đào lên, thấy có thể giặt sạch sấy khô nguyên liệu dùng chế tạo sản phẩm phụ như thú nhồi bông, chổi, đệm xe, v,v… Công việc này cũng giúp thêm hơn 20 công nhân có việc làm, có lương, khiến chị em rất mừng.

Chính trong lúc đang túng quẫn như vậy, thì đồng chí Bí Thư thành ủy Nguyễn Văn Linh đột ngột đến thăm Nhà máy Dệt Phước Long. Khi đồng chí Bí thư vào đến cổng, bà Lê Thị Lý cùng mọi người trong nhà máy vội chạy ra đón. Chưa kịp nói gì, bà Lý đã òa khóc, cảm giác như được đón người cha về đúng lúc để cứu những đứa con sắp chết đuối! Biết bao cực nhọc, lo lắng, buồn thương vỡ òa trong dòng nước mắt. Người phụ nữ xinh đẹp ấy, mạnh mẽ biết bao thì cũng yếu đuối biết bao! Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhẹ nhàng bảo bà Lý ngồi xuống, báo cáo bình tĩnh những việc đã làm, đang làm, và có chỗ nào vướng mắc thì nêu ra để đồng chí giúp tháo gỡ…

Bà Lê Thị Lý với Nguyên Bí Thư Thành ủy Tp. HCM Võ Văn Kiệt năm 1986

Sau khi nghe bà Lê Thị Lý trình bày thực trạng, khó khăn của Nhà máy Dệt Phước Long, đồng chí Nguyễn Văn Linh yêu cầu đi thăm khu sản xuất. Đi tới khu làm gạch, đồng chí nói ngay: “Phải thay công nhân nam làm việc này, để tránh cho chị em đỡ ướt quần áo. Làm cả ngày trong bộ quần áo ướt đẫm thì sức chị em làm sao chịu nổi!” Tới khu dệt nhuộm, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhìn thấy nhóm chị em đang cuốc, đào phía sau nhà máy, liền hỏi: “Ở đó sản xuất gì mà sao công nhân đứng ngoài trời?” Bà Lý định giấu việc này, nhưng vì đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhìn thấy, nên bà đành báo cáo, rằng đó là hai hầm sợi phế thải chủ cũ bỏ đi, nay nhà máy tận dụng sản xuất để có thêm đồng lương cho công nhân.” Nghe thế, nét mặt đồng chí Nguyễn Văn Linh đượm buồn. Đồng chí dặn dò bà Lý, rằng việc tìm cách giải quyết công ăn việc làm cho công nhân là đúng, nhưng phải tìm cách nào giảm bớt nỗi nhọc nhằn cho công nhân.

Khi đến thăm xưởng cơ khí, thấy anh em tận dụng sắt thép cũ để đóng các xe đẩy hàng phục vụ sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất hài lòng. Đồng chí căn dặn Nhà máy cần lo sớm vấn đề phụ tùng thay thế bằng các liên kết với các đơn vị khoa học kỹ thuật, không nên ỷ lại ngồi chờ nhập khẩu những thứ mà mình có thể làm được! Lời đồng chí Nguyễn Văn Linh khiến bà Lê Thị Lý vô cùng thấm thía. Đồng chí Nguyễn Văn Linh còn chỉ ra nhiều vấn đề mà tập thể lãnh đạo Nhà máy thấy mở ra một triển vọng thật sáng sủa, và bà Lý tâm đắc nhất với câu nói: “Mình phải tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Bà Lê Thị Lý

Thực hiện ý tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh, và Lý cùng đội ngũ Nhà máy Dệt Phước Long đã linh hoạt thay đổi cách làm, sáng tạo ra những phương thức mới để nuôi sản xuất. Bà tổ chức đi điều tra thị trường, nắm bắt nhu cầu thiết yếu của người dân, nhận thấy có ba mặt hàng cần sản xuất đáp ứng ngay: vải mùng cho bà con nông dân vùng có nhiều muỗi, vải soie dùng phổ biến cho phụ nữ, vải denim may quần nam giới. Sau khi đi xin chi viện được nguyên liệu, Nhà máy đã sản xuất vải dệt mùng và vải soie, denim, sau đó đem hàng trao đổi với bà con nông dân để lấy tôm, đậu phộng, đậu xanh, hạt điều,… chế biến xuất khẩu, dùng số ngoại tệ thu được nhập khẩu nguyên liệu sợi tổng hợp. Kết quả là năm 1981, nhà máy nhập được 89 tấn sợi polyester 75P để nuôi dưỡng và phát triển sản xuất. Những việc làm của Nhà máy Dệt Phước Long gây được sự chú ý của nhiều đơn vị sản xuất và Bộ chủ quản cũng không phản đối, đồng chí Bí thư Thành ủy lại khen ngợi rằng mô hình tự cứu mình của Dệt Phước Long là rất đáng phát huy, nên bà Lý và đội ngũ Phước Long rất mừng, tiếp tục dấn tới.

Về vấn đề phụ tùng thay thế, từ gợi ý của đồng chí Nguyễn Văn Linh khi về thăm Nhà máy, bà Lý đã tổ chức cuộc họp giữa Nhà máy với các khoa chế tạo máy trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật, Viện chế tạo máy của Bộ cơ khí luyện kim, Nhà máy Z.751 của quân đội… bàn cách tháo gỡ. Sau đó, các nhà chuyên môn đi xem xét thực tế rồi nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều phụ tùng thay thế. Kết quả, trong năm 1981, 1982, Nhà máy Dệt Phước Long đã phục hồi 700 máy dệt thoi, 12 máy dệt kim bằng đưa vào sản xuất. Từ tấm gương này của Dệt Phước Long, nhiều nhà máy, xí nghiệp khác trong thành phố cũng liên kết với các đơn vị kỹ thuật để phục hồi máy móc thiết bị, phục hồi và phát triển sản xuất. Nhờ đó mà nền kinh tế của thành phố bắt đầu khởi sắc.

Sau khi có nguyên liệu, có máy móc sản xuất, bà Lý lại cùng anh chị em cán bộ đi về các vùng nông thôn, tìm lại những công nhân trước đây phải nghỉ việc. Công cuộc đi tìm người cũ vô cùng gian nan, nhưng cũng thực cảm động. Bà đã đón công nhân về lại xưởng, cho xe chở lương thực về tận vùng nông thôn xa xôi để cung cấp cho gia đình công nhân, giúp họ yên tâm làm việc ở thành phố.

Để sử dụng hết công suất máy, bà Lý ngày đêm trăn trở và cùng bàn bạc với anh chị em cán bộ, sau đó tìm ra giải pháp sản xuất tơ lụa bằng nguyên liệu tại chỗ. Bà cho đoàn cán bộ kỹ thuật lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) nghiên cứu, phối hợp với trường Trung cấp kỹ thuật Bộ Công nghiệp nhẹ và Trường ĐH Nông lâm Thủ Đức, tổ chức phục hồi việc nuôi tằm kéo tơ. Phương pháp kéo tơ ở đây hoàn toàn làm thủ công vì máy móc hỏng. Bà Lý tổ chức vận động bà con ở đây nuôi tằm, cử công nhân kỹ thuật lên sửa chữa, phục hồi máy kéo tơ. Nhờ đó mà Nhà máy có thêm nguyên liệu, sản xuất thêm mặt hàng mới, lập bộ phận thêu trong nhà máy. Các kiểu áo lụa tơ tằm thêu rất được ưa chuộng ở nước ngoài. Phước Long đã gửi những thành phẩm đó tới Pháp bán, lấy ngoại tệ nhập thêm nguyên liệu mới. Tới năm 1983, sản lượng của Nhà máy Dệt Phước Long đã lên tới trên 15 triệu mét vải/năm. Chất lượng có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, bà Lê Thị Lý cùng các lãnh đạo dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi lập Câu Lạc bộ Giám đốc, hàng tháng sinh hoạt đều kỳ nhằm phát huy cái mới, chia sẻ kinh nghiệm khắc phục những lệch lạc trên con đường mò mẫm đi lên. Và cùng với nhiều đơn vị khác, Nhà máy Dệt Phước Long được công nhận là điển hình tiên tiến.

Trái tim nóng và cái đầu lạnh

Khi bà Lê Thị Lý đang là Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Tài chánh của Tổng Công ty Dệt Việt Nam thì được điều động về nhận nhiệm vụ Tổng Giám Đốc Công ty Dệt Việt Thắng năm 1987. Bà Lý về nhận nhiệm vụ tại Việt Thắng là để ổn định cán bộ và tư tưởng tại đây sau nhiều năm xảy ra tình hình mất đoàn kết nghiêm trọng và có ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trong tình hình đó, một người có nhiều kinh nghiệm tài chính và tổ chức như bà Lê Thị Lý đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ.

Với kinh nghiệm của một nhà tổ chức, bà Lê Thị Lý đã nghe tất cả ý kiến của Cán bộ nhân viên với nhiều xu hướng và quan điểm rất khác nhau. Tuy nhiên bà rất tỉnh táo, dựa trên tất cả nguồn thông tin để lựa chọn giải pháp riêng của mình trên cơ sở lợi ích phát triển của đơn vị. Bà đã lựa chọn và qui tụ được những cán bộ có năng lực và thực sự tâm huyết để từng bước ổn định và phát triển đơn vị. Là người có trái tim nhân đạo và nhiệt thành với cái đúng, nhưng bà Lý cũng có một cái đầu rất lạnh để đủ bình tĩnh, không nôn nóng, và từng bước đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình để thực hiện. Nhờ đó chỉ sau vài năm, tư tưởng của cán bộ chủ chốt của đơn vị đã dần ổn định và tập trung vào sản xuất kinh doanh của Dệt Việt Thắng.

Bà Lý còn là một chuyên gia giỏi đã dùng kỹ thuật tài chính để quản trị công ty một cách có hiệu quả. Tài chính được bà sử dụng làm công cụ phân tích, đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị từ công tác định hướng và thực hiện đầu tư đến công tác sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Không cán bộ quản lý nào có thể phản ứng ngược lại khi bà nêu số liệu dẫn chứng cụ thể, với lập luận sắc bén cho giải pháp mới. Nhờ đó tình hình lãng phí tại Dệt Việt Thắng được kiểm soát và việc đánh giá cán bộ theo cảm tính đã không còn có chỗ đứng.

Ông Lê Quốc Ân-  Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinatex, Nguyên Tổng Giám đốc Việt Thắng, cho biết: “Bà Lê Thị Lý cũng là nhà đào tạo giám đốc doanh nghiệp chuyên nghiệp. Ngay từ khi về nhận nhiệm vụ Tổng Giám Đốc tại Việt Thắng, bà đã âm thầm tìm kiếm người kế cận để đào tạo. Không công khai, nhưng bà có ý chọn một số cán bộ có triển vọng để giao việc và đánh giá. Rồi lại luân chuyển họ đến nhiều vị trí công tác khác nhau để tiếp tục đào tạo và đánh giá. Chỉ khi việc đánh giá đã chín muồi và chắc chắn bà mới đưa ra tập thể để lấy ý kiến. Nhờ đó mà việc bố trí cán bộ kế cận không còn gây mất đoàn kết nội bộ như trước. Còn người được đào tạo kế cận cũng thấy hết trách nhiệm của mình. Bà cũng là người để lại gia tài cho thế hệ tiếp nối. Khi về nghỉ hưu theo chế độ, bà đã để lại cho người kế nghiệm một bộ máy tổ chức cán bộ ổn định và các dây chuyền sản xuất đã được nâng cấp về cơ bản. Đặc biệt hơn nữa, trước đó bà đã gọi tôi (người được bà chuyển giao nhiệm vụ Tổng Giám Đốc) cùng với Kế toán trưởng của công ty và bà lật sổ kết toán tài chánh để chỉ cho tôi những khoản dự phòng tài chính nhằm đề phòng rủi ro trong thời gian ban đầu. Thật quí hóa tấm lòng của Người Chị đi trước!”

Bà Lê Thị Lý sinh ngày 11/11/1934

Nơi sinh: Hòa Thịnh, Tuy Hòa, Phú Khánh

1959-1961: Học kế toán trung cấp tài chính tại Hà Nội

Tháng 7/1961- 1966: Phó phòng kế toán tài chính Công ty Dệt Kim

1967-1969: Học Đại học kinh tế tài chính

1970-1971: Phụ trách công tác tổng hợp kinh tế của Tổng công ty Bông vải sợi (về ngành SX may dệt)

1971-1975: Trưởng phòng, kế toán trưởng – Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Dệt – Liên hiệp các xí nghiệp Dệt

1975-1979: Phó phòng kế toán, tài chính giá cả Tổng Công ty Dệt – Liên hiệp các xí nghiệp Dệt

Tháng 12/1979: Phó Giám đốc Dệt Phước Long

Tháng 8/1982: Giám đốc Dệt Phước Long

Tháng 10/1983: Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp xí nghiệp Dệt

1987: Tổng Giám Đốc Công ty Dệt Việt Thắng

Kiều Bích Hậu