Các nhà bán lẻ thời trang lớn ở châu Âu đang thử nghiệm kinh doanh quần áo cũ (second-hand) trong nỗ lực khai thác nhu cầu tiềm năng từ những khách hàng có ý thức bền vững. Thị trường thời trang second-hand toàn cầu dự kiến đạt giá trị 351 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista.
Đầu tuần trước, thương hiệu Zara của Inditex (Tây Ban Nha) mở rộng dịch vụ Pre-Owned ra 14 nước ở châu Âu bao gồm thị trường quê nhà. Dịch vụ này cho phép người tiêu dùng bán lại hoặc sửa chữa cũng như hiến tặng quần áo của thương hiệu Zara. Trước đó, Zara đã triển khai dịch vụ Pre-Owned ở Anh và Pháp thông qua cửa hàng trực tiếp, trang web và ứng dụng di động của thương hiệu này.
Các nhà bán lẻ thời trang khác cũng đang đặt cược vào xu hướng kinh doanh hàng second-hand. Thương hiệu H&M của Thụy Điển đã xây dựng nền tảng Rewear nhằm bán và mua quần áo đã qua sử dụng từ bất kỳ thương hiệu nào. Trong khi đó, nhà bán lẻ thời trang trực tuyến lớn nhất châu Âu Zalando (Đức) khai trương mảng kinh doanh áo quần second-hand vào tháng 9-2020 và đã nhanh chóng mở rộng mảng này.
Các nhà bán lẻ thời trang nhìn thấy cơ hội lớn trên thị trường quần áo cũ nhờ sự kết hợp giữa nhu cầu của người tiêu dùng và mối quan tâm về tính bền vững. Dù thị trường quần áo second-hand dự kiến tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới, các nhà phân tích lưu ý khả năng sinh lời của mảng kinh doanh này vào thời điểm hiện nay chỉ ở mức hạn chế.
Theo dữ liệu từ Statista, thị trường quần áo cũ toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 351 tỉ đô la vào năm 2027, gần gấp đôi so với mức 177 tỉ đô la vào năm ngoái. Con số này không hề nhỏ so doanh thu ước tính trên thị trường may mặc trên toàn thế giới là 1,74 nghìn tỉ đô la trong năm nay.
“Thị trường thời trang second-hand toàn cầu đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở Đức, Anh, Ý và Pháp, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ”, Achim Berg, cố vấn về thời trang và hàng xa xỉ toàn cầu của hãng tư vấn quản lý McKinsey, nhận xét.
Theo nhà phân tích Anne Critchlow của ngân hàng Société Générale, các nhà bán lẻ thời trang muốn tham gia mang tính thăm dò vào thị trường đồ cũ để có thể theo dõi những xu hướng trên thị trường này. “Điều đó cho phép họ hiểu người tiêu dùng muốn gì từ quần áo cũ, mức độ phổ biến của thị trường đồ second-hand và liệu họ có nên nhập cuộc hay không”, Critchlow nói.
Zalando nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng kể từ khi bổ sung mảng mua bán đồ cũ vào nền tảng thương mại điện tử của công ty, đặc biệt là nhu cầu từ nhóm khách hàng ở độ tuổi 18-29. “Chúng tôi đang mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm cả đồ cũ và đồ mới trên cùng một nền tảng”, Zalando cho biết.
Theo Achim Berg, việc khai trương mảng kinh doanh mua bán đồ cũ của các nhà bán lẻ thời trang là nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, động thái này cũng được thúc đẩy bởi những yếu tố khác liên quan như đáp ứng các mục tiêu bền vững.
Mô hình kinh doanh của ngành thời trang là đẩy khối lượng lớn sản phẩm mới ra thị trường, dù 20% sản phẩm bán ra không bao giờ được người tiêu dùng sử dụng. Trên thực tế, 25% khối lượng vải trong chuỗi cung ứng thời trang trở thành rác thải, theo báo cáo của Liên hợp quốc,
Achim Berg cho biết, nỗ lực duy trì sản phẩm tồn tại lâu hơn trên thị trường thông qua mảng kinh doanh đồ second-hand chắc chắn sẽ hữu ích cho mục tiêu bền vững của các nhà bán lẻ thời trang, nhưng không giúp giải quyết được vấn đề.
Critchlow của Société Générale cho rằng sự xuất hiện của các công ty thời trang lớn tạo ra nhiều cạnh tranh hơn trên thị trường đồ cũ và đây là dấu hiệu tốt cho tính bền vững. Achim Berg nhận định, các nhà bán lẻ chuyên về quần áo cũ có thể được hưởng lợi từ sự gia nhập của những tên tuổi thời trang lớn vì điều này có thể khiến mảng kinh doanh hàng second-hand trở nên thịnh hành hơn.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ thời trang lớn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và khả năng sinh lời vẫn là một thách thức. “Doanh thu từ đồ cũ bị giới hạn, vì về cơ bản, các nhà bán lẻ kiếm hoa hồng cho các sản phẩm có giá trị thấp hơn thay vì bán nguyên giá”, Critchlow nói. Bà nhận định, các nhà bán lẻ thời trang có thể hòa vốn hoặc có lợi nhuận nhẹ ở mảng kinh doanh đồ cũ ở giai đoạn này vì họ có thể tận dụng mạng lưới hậu cần sẵn có, như kho hàng và dịch vụ giao hàng.
“Mảng bán đồ cũ có thể hữu ích đôi chút cho các nhà bán lẻ, nhưng sẽ không trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ trong vài năm tới”, Critchlow nói.