Như tin đã đưa, hôm 13/11 vừa qua, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn được thủ tướng Ishiba Shigeru công bố 2 hôm trước đó. Hôm nay 28/11, cơ quan này cho biết đã lập xong kế hoạch để trình Quốc hội bổ sung vào ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo kế hoạch này, trong giai đoạn đầu tiên, một khoản đầu tư lên tới 1.514 tỷ Yên (tương đương 10 tỷ USD) sẽ được chi để phục hưng và phát triển công nghiệp bán dẫn và các ngành sản xuất có liên quan. Trong khi đó, theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, trong 10 năm tới, con số này sẽ là 50.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 333 tỷ USD), và khoản đầu tư này sẽ được lồng ghép với quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cùng việc tăng cường năng lực cho các địa phương của nước này.
Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2030, khoản đầu tư này sẽ mang lại cho nền kinh tế Nhật Bản 160.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 1.066 tỷ USD). Thủ tướng Ishiba Shigeru nhấn mạnh, kế hoạch này là “chất kích hoạt”, sẽ đem lại một sinh khí mới cho Nhật Bản nói chung và các địa phương nói riêng.
“Trọng điểm mà chính phủ quan tâm là đánh thức tiềm năng đang ngủ sâu của các địa phương, để thoát khỏi tình trạng đình đốn của nền kinh tế. Vì vậy chất kích hoạt này không chỉ dành cho các đô thị lớn, mà sẽ phổ quát cho các địa phương và nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế tạo, dịch vụ… Nó sẽ góp phần tận dụng triệt để tiềm năng của cả nền kinh tế”
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên trầm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, nước này không thể đơn độc thực hiện toàn bộ kế hoạch nêu trên, mà sẽ phải hợp tác với nước ngoài. Theo đó, kế hoạch này sẽ đem lại cơ hội lớn cho các nước, nhất là các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó có Việt Nam.