Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam khởi nghiệp ca hát, thành giọng ca triệu view ở tuổi 50

Phạm Hoài Nam từ một nhiếp ảnh gia có tiếng đã chuyển hướng sang con đường ca hát. Ông đã gặt hái thành công ngoài mong đợi trở thành giọng ca triệu view, là hiện tượng trên khắp các nền tảng âm nhạc ở độ tuổi U50. Vậy ‘Bí kíp’ của ông từ đâu?
Phạm Hoài Nam đặt hết cảm xúc thật, tình cảm thật vào từng câu chữ trong ca khúc

Thông tin từ cuộc trò chuyện của anh với Báo Tuổi Trẻ khi anh về Việt Nam để tiếp tục các dự án âm nhạc.

20 năm ôm ấp “tình đầu” ca hát

* Trong đêm nhạc “Những khúc hát để dành” tại TP.HCM vừa qua, anh kể rằng mình yêu ca hát và muốn làm ca sĩ từ thời trai trẻ. Vậy hà cớ gì anh lại đi hết “một vòng trái đất” rồi mới quay lại với âm nhạc?

– Lúc tôi học cấp 1, ba tôi được đi nước ngoài và mua được một chiếc máy cassette. Từ đó tôi được tiếp xúc với rất nhiều thể loại nhạc. Tôi nghe nhiều đến nỗi thuộc rất nhiều bài. Chỉ cần nghe nốt trước là tôi biết nốt sau như thế nào, mặc dù tên bài hát có thể không nhớ nhưng giai điệu thì nhớ rất rõ.

Vậy mà ba tôi lại là người cản tôi đi học nhạc. Khi còn là sinh viên năm 2 của khoa tiếng Nga – Anh Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, tôi có tham gia một ban nhạc sinh viên. Tôi đã đăng ký học thanh nhạc ở Nhạc viện.

Học được bốn buổi thì ba tôi phát hiện và cấm vì sợ tôi không tập trung cho việc học, vốn đang trong giai đoạn nước rút để có được tấm vé đi du học năm sau. Dẫu vậy, tôi vẫn duy trì hát với nhóm đến khi ra trường và đi làm 4 năm sau đó rồi ngưng.

* Vậy điều gì đã khiến đam mê ca hát của anh sống lại sau 20 năm “ngủ yên”?

– Có lần nhiếp ảnh gia Thành Nguyễn và Đình Dzũ rủ tôi tham gia đêm “Nhiếp ảnh gia hát”, có khách mời là Phương Thanh và Đoan Trang. Sau đêm nhạc, tôi làm quen với anh Trần Bình chơi guitar.

Anh ấy rủ tôi thu lại những bài đã diễn. Tôi đăng những bài đã thu lên soundcloud chơi vậy thôi. Các bản thu đầu tiên ấy được quan tâm nồng nhiệt, anh Bình rủ tôi tham gia các đêm nhạc khác mà anh và nhóm Mộc Saigon tổ chức. Việc này nối tiếp việc kia cho đến lúc tôi thấy mình có một gia tài âm nhạc đủ lớn để làm những đêm nhạc riêng.

Nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc là một hành trình dài. Từ lúc tôi nhận ra không phù hợp với sàn diễn là năm 1994 đến khi bắt đầu cất tiếng hát trở lại vào năm 2014 hành trình là 20 năm. Trong 20 năm đó, tôi nghe rất nhiều, có một bộ sưu tập đĩa hát khổng lồ.

Việc nghe nhiều cho phép mình có một khoảng không gian đủ rộng cho việc chọn lựa các ca khúc để thể hiện. Tôi cực kỳ yêu thích các sáng tác của Nguyễn Minh Cường, Phan Mạnh Quỳnh, Phùng Khánh Linh, Hoàng Dũng. Các bạn chính là nguồn lực để tôi bước tiếp.

Phạm Hoài Nam trong show “Những khúc hát để dành”
Tôi không cố tình để trở thành ca sĩ

* Ca sĩ trẻ đẹp, hát hay ngày nay cứ như “nấm mọc sau mưa”. Nhưng dù có “trendy”, đầu tư ra sao, truyền thông cỡ nào có người cũng chưa chắc được đón nhận và yêu thích như anh. Anh tự lý giải cho thành công của mình ra sao?

– Tôi không cố tình để trở thành ca sĩ. Việc hát, thu âm, biểu diễn trong những đêm nhạc ban đầu chỉ là sở thích cá nhân, rồi nghiệp mang vào thân lúc nào chẳng rõ.

Tôi cũng không dám nhận mình là ca sĩ. Thời gian và công sức, tôi thấy mình chưa đủ cái tầm ấy.

* Dễ gì mang nghiệp vào thân, nhất là nghiệp cầm ca. Anh không thấy rằng bản thân anh cũng rất đặc biệt và có thế mạnh mà người khác không có sao?

– Nói thẳng ra “ca hiếm” này khi đi hát cũng có nhiều thuận lợi hơn người khác. Từng trong nghề lâu năm, hình ảnh, thiết kế bìa đĩa, thời trang khi xuất hiện thường là thứ có thể tự làm hoặc nhờ học trò, người quen một cách rất dễ dàng.

Chắc là sẽ không ai có thể điện thoại cho nhạc sĩ Quốc Bảo mà nói anh ơi em muốn hát bài này bài kia mà chỉ dăm chục phút là nhạc sĩ gửi bài liền cho hát như tôi. Hồ Tiến Đạt hay Châu Đăng Khoa không bao giờ từ chối cuộc gọi của tôi. Những lợi thế như vậy có tại sao không sử dụng (cười).

* Tứ hải giai huynh đệ, rồi lại có lắm fan như anh mà nhạc nghe sao nhiều tâm sự, cô đơn lạ?

– Tôi nghĩ mỗi người đều có một cái tôi bên trong ít khi phô bày. Tôi cũng có một cái tôi như vậy, may mắn sao đã tự tìm được cách để xoa dịu, đó là âm nhạc. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi nói hộ nỗi cô đơn bên trong của nhiều người.

Phạm Hoài Nam mời ba mẹ, mẹ vợ đến đêm nhạc của anh, kể chuyện bị ba ngăn cấm đi học thanh nhạc thời trẻ và kết lại bằng câu: Mà giờ con vẫn hát ba ạ!

* Đã có hẳn 23 album trực tuyến lẫn vật lý rồi, cá nhân như anh còn ước gì nữa?

– Tôi ao ước có được một album song ca Thanh Hà, Hà Trần, Nguyên Hà, Vy Vy, Hoàng Thùy Dung, Dũng Hà Hakoota, Uyên Linh và Nguyên Thảo. Cứ ước thế thôi!

Tôi đang hoàn thành nốt album Trịnh Jazz dự tính từ năm 2020 cùng các bản ghi âm các nhạc sĩ gửi từ trước khi về nước. Ra mắt album đã hoàn tất, Bản luân vũ số 2. Sau đó trở lại trong vở kịch Những giấc mơ lóng lánh của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần vào ngày 13-5…

* Rồi anh sẽ bỏ luôn nhiếp ảnh ư?

– Hơn 20 năm cho nhiếp ảnh đã có lúc tôi chán ngán. Nhưng đã là yêu rồi thì sẽ có lúc quay lại, dù có lẽ sẽ là một hành trình nhiếp ảnh khác, một không gian sáng tạo không giống trước.

Theo Báo Tuổi Trẻ