Nhiều địa phương ĐBSCL chi hàng nghìn tỷ đồng chuẩn bị hàng phục vụ Tết

Còn vài tháng đến Tết Nguyên Đán 2024, nhiều doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cung ứng. Đồng thời bà con nông dân trồng hoa kiểng, cây ăn trái khu vực này cũng đang ráo riết cho công tác gieo trồng, sản xuất.Doanh nghiệp trữ hàng, bình ổn giá 

Nhiều địa phương thực hiện bình ổn giá nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: Kim Ngọc

Theo thông tin từ Sở Công thương TP.Cần Thơ, địa phương này đã xây dựng Chương trình bình ổn hàng hóa năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 đồng thời tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên nhằm chuẩn bị nguồn hàng tốt nhất cho mùa mua sắm cuối năm.

Ở các địa phương khác như An Giang, Sóc Trăng, Long An… cũng đã có kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm thông qua vận động doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, giá tốt, vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Các địa phương cũng lên kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường nhằm tránh tình trạng hàng hóa bị tăng giá bất hợp lý, qua đó góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nhằm đảm bảo thị trường không biến động lớn hoặc xảy ra trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, tỉnh Trà Vinh còn ký thỏa  thuận với TP.Cần Thơ và TP.HCM để hỗ trợ địa phương trong trường hợp khan hiếm hàng đột xuất. Chương trình bình ổn kéo dài trong 5 tháng, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 2/2024.

Tại Trà Vinh các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các đơn vị tham gia chương trình và được phân phối, cung ứng tại 38 điểm bán hàng khắp địa bàn tỉnh, tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn vào những ngày cận Tết.

Cũng theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị này đã vận động được 6 doanh nghiệp, 5 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, với tổng giá trị đạt hơn 7.000 tỷ đồng cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024. Đây là nguồn vốn của các doanh nghiệp và vốn vay của quỹ tín dụng, với hạn mức và lãi suất ưu đãi.

Nông dân tăng sản xuất hoa, kiểng

Nhiều hộ dân đã xuống giống cho vụ hoa lớn nhất năm – Tết Nguyên Đán 2024. Ảnh: Làng hoa Sa Đéc

Thời điểm này, làng hoa Sa Đéc nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây, cung ứng hầu hết lượng hoa kiểng cho cả khu vực và TP.HCM cũng như nhiều địa phương lân cận đã xuống giống hoa kiểng hơn 1 tháng.

Nhiều bà con phấn khởi khi hiện tại, giá các loại phân rơm, tro trấu, giỏ bội, vật tư nông nghiệp khá ổn định, chi phí đầu tư đầu vụ không tăng nên nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư.

Nhiều hộ dân tại Làng hoa cho biết nếu năm ngoái hoa, kiểng “ế chợ” thì năm nay đang có nhiều tín hiệu khả quan về lượng đơn hàng.

Theo ông Trần Văn Út Hùng một hộ dân chuyên trồng cúc mâm xôi (TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết năm nay đơn hàng đặt khá nhiều nên ông tăng số lượng cây giống.

“Nếu năm ngoái tôi chỉ ghim 80.000-90.000 cây giống thì năm nay tăng lên 140.000 cây do số lượng khách đặt hàng tăng”, ông Hùng phấn khởi nói.

Huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), một trong những “thủ phủ” trồng hoa lớn nhất ĐBSCL, thường cung ứng từ 18-19 triệu sản phẩm, gồm: cúc mâm xôi, vạn thọ, mào gà, cát tường, đồng tiền, mai vàng… trong dịp Tết. Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho hay: “Thời tiết năm nay không thuận lợi.

Theo dự báo, những tháng cuối năm nhiệt độ cao và mặn đến sớm sẽ làm cho hoa nở sớm. Do vậy, khả năng không chỉ Chợ Lách mà cả ĐBSCL sẽ hao hụt lượng hoa so với mọi năm. Trước tình hình này, ngành đã khuyến cáo bà con trồng hoa phải trữ nước tưới và chăm chút kỹ vườn hoa để giảm hư hại”.

Bên cạnh hoa kiểng thì cây ăn trái như: xoài Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn, quýt hồng Lai Vung, bưởi Năm Roi… cũng là mặt hàng hút khách dịp Tết của ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Năm người có gần 2 ha trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết sau thời gian xử lý dịch bệnh trên cây quýt, hiện nay hộ dân này đang ráo riết “tăng hưu” để đáp ứng số lượng cũng như chất lượng hàng cho dịp Tết.

Là một nhà vườn có kinh nghiệm hàng chục năm, ông Trần Văn Đông (Bình Minh, Vĩnh Long) đang tăng cường chăm sóc 5 ha bưởi Năm Roi cung ứng cho Tết Nguyên Đán 2024.

“Dù thời tiết gần cuối năm có nhiều diễn biến thất thường nhưng làm nghề cây ăn trái, nhất là cây đặc sản phải có am hiểu và sự yêu thích bên cạnh lợi nhuận. Thời điểm này, tôi và nhiều hộ dân trồng bưởi đang quan sát sự phát triển ra trái và chăm sóc về hình dáng quả sao cho đẹp. Vì bưởi là loại quả nhiều người dùng trưng Tết”, ông Đông chia sẻ.

Theo Nhà Đầu Tư