Khi năng suất cao không còn đồng nghĩa với thu nhập tốt, nhiều nhà vườn chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội mới với những loại trái cây khác.
Được mùa rớt giá
Nhớ lại thời “hoàng kim” của mít Thái, ông Trần Văn Tám (nhà vườn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), không khỏi tiếc nuối. Ông Tám cho biết, nếu qua từng năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm canh tác, năng suất mít Thái ngày một cao, thì ngược lại, giá cả lại rớt thê thảm.
“Năm nay, mít Thái được mùa nhưng giá chỉ có 2.000 – 3.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái thu mua không đến 2.000 đồng/kg. Giá này thấp hơn khoảng 10 lần so với những năm đầu tiên tôi trồng. Dù lỗ, tôi vẫn phải bán cho thương lái. Nếu không, chỉ có nước hái bỏ, vừa mất trắng vừa ảnh hưởng đến năng suất vụ sau”, ông Tám nói.
Giá rớt thấp, nhưng 2-3 năm nay, ông Tám vẫn cố gắng duy trì sản xuất với hy vọng thị trường sẽ khởi sắc, cũng như tiếc phần chi phí đã đầu tư cho vườn cây.

Đã 20 năm gắn bó với cây mận (roi), ông Nguyễn Thanh Hoàng (nhà vườn tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), đang dần rẽ hướng, chuyển sang canh tác loại cây trồng khác để tìm cơ hội mới.
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại của quả mận, nhà vườn bộc bạch, giá mận đã giảm chóng mặt từ 15.000 – 16.000 đồng/kg (nghịch vụ) xuống còn khoảng 5.000 đồng/kg (chính vụ). Trong khi đó, chi phí sản xuất trung bình đã từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà vườn đã chọn cách không thu hoạch vì không có lãi, thậm chí còn mất thêm tiền thuê nhân công.
“Vài năm trở lại đây, tôi kết hợp phát triển du lịch trong vườn mận để cải thiện thu nhập, song song đó, cũng bắt đầu trồng thử bưởi. Qua những đợt thu hoạch, bưởi cho năng suất khá ổn với giá cả tốt hơn”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Năm (nhà vườn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), đang băn khoăn về việc phá bỏ vườn dâu xanh để thay thế bằng loại cây trồng khác. Theo ông Năm, dâu là loại trái cây đặc sản tại địa phương. Nhưng do không được giá, rất nhiều hộ trồng dâu đã chặt bỏ vườn để chuyển sang trồng vú sữa, sầu riêng, hoặc thậm chí làm du lịch.
“Những năm đầu, dâu xanh được thương lái thu mua từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, nhưng hiện mức giá này chỉ còn một nửa. Tôi và gia đình đang nghĩ đến việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng nếu tình hình không khả quan hơn. Tuy nhiên, nguồn vốn để chuyển đổi cũng là một thách thức”, ông Năm cho biết.
Thúc đẩy công nghiệp chế biến, bảo quản
Năm 2024, diện tích cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 26.000 ha, với sản lượng trên 200.000 tấn. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực; hình thành các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu và vùng sản xuất tập trung với diện tích trên 12.000 ha, gồm các loại cây trồng như sầu riêng, nhãn, mãng cầu, vú sữa Phong Điền….

Định hướng trong năm 2025 và thời gian tới, ngành Nông nghiệp TP tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất cây ăn trái, phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị để phát triển bền vững; Đẩy mạnh phát triển, hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện để thiết lập các mã vùng trồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật, gắn kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực phụ trợ, trong đó, có công nghiệp bảo quản, chế biến trái cây nhằm hỗ trợ phát triển cây ăn trái bền vững; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong phát triển trồng cây ăn trái gắn với phát triển các sản phẩm OCOP từ trái cây chế biến và phát triển các mô hình cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.