Nhiều lý do khiến hộ kinh doanh “ngại” lên doanh nghiệp

Kinh doanh theo hình thức doanh hộ kinh doanh dễ “thương lượng”. Trong khi, là doanh nghiệp thì chuyện “mặc cả” có phần khó khăn hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại Tọa đàm đối thoại chính sách: “30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp tổ chức gần đây.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bình luận về việc phát triển kinh tế tư nhân trong khu vực phi chính thức, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều hộ gia đình muốn kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh. Thậm chí, ngay cả cơ quan nhà nước ở cơ sở cũng có “động lực” muốn duy trì hình thức kinh doanh hộ gia đình.

Bởi, đây là nơi có thể “mặc cả” về thuế cũng như “thương lượng” nhiều việc khác, bởi các đơn vị quận, huyện sống chủ yếu bằng nguồn của các hộ kinh doanh gia đình. Trong khi, nếu là doanh nghiệp thì chuyện này có phần khó hơn.

“Đây là nguyên nhân không tạo được động lực để các hộ kinh doanh gia đình chuyển lên doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, mật độ doanh nghiệp/1.000 người dân trên 18 tuổi của chúng ta hiện đang rất thấp, chỉ có 2,2 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi, trong khi đó con số này ở Hoa Kỳ là 84 doanh nghiệp.

Muốn trở thành một nền kinh tế phát triển thì chúng ta cần phải có ít nhất 24 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi. Nguyên nhân tỉ lệ doanh nghiệp thấp, bởi thời gian qua do tác động từ Covid-19 đã làm cho số doanh nghiệp bị giảm sút.

Đặc biệt, ở Việt Nam có tỉ lệ doanh nghiệp phi hình thức còn rất lớn, theo thống kê cả nước hiện có 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần lượng doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dẫn chứng một trường hợp một chủ doanh nghiệp còn rất trẻ dưới 40 tuổi và được đánh giá là “kinh doanh giỏi” nhưng lại “ngại” chuyển sang doanh nghiệp.Chia sẻ với chuyên gia Lê Đăng Doanh, “ông chủ” này chia sẻ có 2 khách sạn, 3 nhà nghỉ, 1 nhà hàng với 300 lao động, nhưng vẫn đăng ký hộ kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Việc “ông chủ” này “thích” hình thức thuế khoán, vì nộp thuế theo cán bộ thuế, khi nào cán bộ thu thuế “gọi tìm” thì doanh nghiệp “mời đến”, sau câu chuyện “vui vẻ” hai bên sẽ thống nhất chia đôi phần của cán bộ thuế bao nhiêu, doanh nghiệp bao nhiêu. Và “người không có mặt” là ngân sách nhà nước sẽ bị thiệt hại lớn nhất.

“Ở Hà Nội có nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp, vì cho rằng làm hộ gia đình sẽ “hay hơn”. Như vậy, muốn phát triển Việt Nam phải đặt vấn đề cải cách thể chế”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Vẫn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông có gặp và nghe được ý kiến của một số doanh nghiệp rằng, nếu không phải “bôi trơn” doanh nghiệp sẽ chuyển sang kinh tế số, sẵn sàng đầu tư và làm nhiều thứ.

“Nhưng, đến thời điểm này còn “sống sót” được cũng đã là một may mắn, cho nên không muốn nghe nhiều về kinh tế số vì càng nghe thì càng sốt ruột, và càng nói nhiều về kinh tế số thì chứng tỏ vẫn chưa hiểu hết những trăn trở của doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nêu thực tế, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam năng động nhưng không phát triển được.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung

Năm 1990 Việt Nam có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân là hợp pháp đến nay đã 34 năm. Luật Doanh nghiệp năm 2000 cũng đã 24 năm nhưng chúng ta nhìn thấy khu vực tư nhân vẫn “èo uột”, không có tích luỹ tư bản đủ và gắn với đó là công nghệ.

“Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam lại không được mời đến để bàn và thảo luận làm như thế nào để khu vực này lớn mạnh”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam còn chậm phát triển, mặc dù các văn bản, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho khu vực này rất nhiều.

“Chúng ta vẫn hay nói các thành phần kinh tế đều bình đẳng, cạnh tranh công bằng… nhưng điều này chỉ thể hiện trên giấy, còn trong thực tế chưa được như vậy”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá

Vậy, chúng ta cần phải làm như thế nào để thay đổi thực trạng này? Theo chuyên gia Lê Xuân Bá, thứ nhất phải chú trọng khuyến khích phát triển kinh tế của người Việt Nam đặc biệt là khu vực tư nhân và những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam. Đây là điều cần phải có sự thay đổi và có nhận thức lại, nếu không kinh tế Việt Nam vẫn mãi “lẹt đẹt”.

Thứ hai, tích cực đổi mới thể chế, bao gồm luật lệ và bộ máy. Luật phải theo thông lệ quốc tế, phải tính đến việc bỏ luật khung, hạn chế nghị định, bỏ thông tư. Muốn làm được điều này thì phải tổ chức được một Quốc hội chuyên nghiệp.

Về bộ máy nhà nước, nếu so với trước đổi mới cải cách, rõ ràng bộ máy nhà nước hiện nay đã tinh giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có những đánh giá cho rằng bộ máy nhà nước còn cồng kềnh về mặt tổ chức. Đặc biệt, công chức trong bộ máy được đánh giá 1/3 làm việc tốt, 1/3 “có cũng được, không có cũng không sao”, 1/3 “lừng khừng”.

“Tôi đề nghị cắt bỏ 1/3 số công chức lừng khừng và làm việc không tốt, giữ lại 1/3 làm việc tốt đồng thời tăng lương để họ làm việc tốt hơn. Nếu làm được như vậy thì chúng ta mới có thể phát triển nhanh trong thời gian tới. Còn tổ chức vẫn cồng kềnh, công chức vẫn sáng cắp ô đi tối cắp ô về thì còn rất lâu mới có được các chính sách tốt”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá nhấn mạnh.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp