Vừa qua, Công ty Synopsys Việt Nam đã tổ chức lễ bế giảng khóa đào tạo Synopsys Intensive Program 2023 vô cùng thành công.
Các khách mời, thầy cô và học viên trong lễ bế giảng.
Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Vinh Nguyễn – Giám đốc Kỹ thuật Synopsys, một số vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành thiết kế Vi mạch tại Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Ông đánh giá nhu cầu nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam những năm tới và tương lai xa xôi hơn như thế nào? Vì sao lại có sự gia tăng đó? Ngoài thiết kế vi mạch, nó còn kéo theo sự gia tăng những ngành nghề nào liên quan?
Ông Vinh Nguyễn: Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, ngành vi mạch bán dẫn nói chung và ngành thiết kế vi mạch nói riêng hiện có nhiều động lực phát triển rất tốt về nguồn nhân lực. Kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam được đánh giá rất cao về kỹ năng, thái độ công việc và kinh nghiệm thực chiến tuyệt vời trong các thiết kế phức tạp, đáp ứng tốt các kỹ thuật chế tạo bán dẫn tiên tiến nhất.
Những điểm mạnh chung về kỹ sư Việt Nam thường được kể đến là được đào tạo bài bản, có năng khiếu về Toán và Khoa học, có kỹ năng ngoại ngữ và hội nhập quốc tế tốt. Về mặt khách quan là đến sự chuyển dịch các chuỗi giá trị gia tăng, thay đổi địa chính trị cũng tạo vị thế tốt cho Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghệ cao.
Tôi cũng xin nhấn mạnh đến sự ủng hộ và quyết tâm của Chính phủ và TP.HCM với các cơ chế chính sách đặc thù và quyết định trong việc phát triển ngành điện tử, vi mạch và bán dẫn. Cần nhắc lại sản phẩm vi mạch điện tử được chọn là một sản phẩm trong danh mục nhóm sản phẩm quốc gia của Việt Nam.
PV: Ông có thể nói rõ hơn vể vấn đề này?
Ông Vinh Nguyễn: Theo thông tin tổng hợp trên Cộng đồng Vi Mạch Việt Nam (CĐVM VN), nhu cầu nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam hiện đang tăng cao, dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới.
Các doanh nghiệp mới vào và các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tiếp tục mở rộng và tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ sư trẻ từ Việt Nam, các doanh nghiệp ở các nước tiên tiến cũng liên tục tuyển dụng kỹ sư thiết kế vi mạch từ Việt Nam sang làm việc trong những năm gần đây.
Trung bình một doanh nghiệp mới có nhu cầu tuyển dụng từ 50 đến 100 kỹ sư thiết kế vi mạch. Từ thống kê của nhóm quản trị CĐVM VN, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư hằng năm tăng dần từ 350 năm 2021, lên 400 năm 2022 và dự báo lên đến 500 từ năm 2023.
Sự gia tăng nhu cầu trong ngành thiết kế vi mạch cũng kéo theo sự gia tăng của nhóm ngành thiết kế hệ thống nhúng, lập trình cho các phần mềm thiết kế, quản lý hệ thống máy chủ và kết nối đám mây, dễ thấy nhất là sự gia tăng ở các nhóm ngành sử dụng trực tiếp các sản phẩm vi mạch như điện tử, máy tính, viễn thông và tự động hóa.
Ông Vinh Nguyễn, Giám đốc Kỹ thuật Synopsys phát biểu trong sự kiện.
PV: Theo ông, thách thức của Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch hiện nay là gì?
Ông Vinh Nguyễn: Thiết kế vi mạch được xem là một trong những ngành hẹp với hàm lượng kiến thức và kỹ năng kỹ thuật đòi hỏi ở mức chuyên sâu. Hơn thế nữa, bán dẫn vi mạch cũng là lĩnh vực có sự đổi mới và tiến bộ liên tục; các công nghệ mới, tiên tiến hơn đòi hỏi kỹ sư phải có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và tư đúc kết kinh nghiệm.
Hiện tại vẫn chưa có chương trình đào tạo thiết kế vi mạch đúng nghĩa ở Việt Nam, thiết kế vi mạch vẫn được xem là chuyên ngành trong nhóm kỹ thuật điện – điện tử, hay kỹ thuật máy tính. Các môn học và kiến thức được giảng dạy ở các ngành và các trường cũng có sự khác biệt.
Thực trạng đầu tư về đào tạo nhân lực cho ngành này chưa đạt cả về chất và lượng; về chất, các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 3 đến 6 tháng; về lượng, đặc biệt tại TP.HCM hiện gặp khó khăn khi muốn tuyển dụng và mở rộng vì hầu như các bạn sinh viên năm 3 đã nhận việc và đi làm. Việc đào tạo lại cũng tiêu tốn một khoảng chi phí, nhân lực và thời gian đáng kể từ doanh nghiệp, nó làm chậm bước tiến phải có trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành này.
Mới đây, trong buổi tọa đàm về việc xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch tại ĐHQG TP.HCM mà Tuổi Trẻ có đưa tin. Quyết tâm của ĐHQG trong đề án thiết kế chương trình đào tạo và nghiên cứu tiên tiến cả bậc đại học và sau đại học chuyên biệt cho ngành thiết kế vi mạch được các chuyên gia, đại biểu và đại diện doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ.
PV: Cần chính sách hay những ưu đãi gì để thu hút và thúc đẩy nhanh việc đào tạo nhân lực cho ngành này?
Ông Vinh Nguyễn: Theo chia sẻ trong các buổi hội thảo, hội nghị và tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp, tôi xin nêu một số chính sách và ưu đãi có thể kể đến để thu hút và đẩy nhanh việc đào tạo nhân lực cho ngành này bao gồm:
Đầu tư có trọng điểm và tầm nhìn dài hạn cho các đại học quốc gia từng vùng. Nên thí điểm tại TP.HCM, nơi có nhu cầu nhân lực cao nhất hiện nay và cũng có kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo nhiều năm.
Phần công cụ thiết kế và phòng lab thực hành phải được đâu tư bài bản và nên được chia sẻ để sử dụng trong cả việc giảng dạy và nghiên cứu.
Trao học bổng nghiên cứu và học phí ưu đãi cho chương trình sau đại học. Riêng chương trình đại học có thể xem xét việc hợp tác công tư để khép kín từ việc tuyển sinh, hỗ trợ giảng dạy và tuyển dụng theo nhu cầu doanh nghiệp được đăng kí trước.
Chi trả lương và phúc lợi đặc biệt cho giảng viên; tạo cơ chế mới cho giảng viên trong việc nghiên cứu, đăng ký sở hữu trí tuệ, ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Mời gọi chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá và góp sức trong việc xây dựng chương trình đào tạo, có thể mời chuyên gia giảng dạy như giảng viên thỉnh giảng hằng năm.
Linh động và cầu thị lựa chọn các môn học chung và chuyên ngành theo nhu cầu của doanh nghiệp gắn với thế mạnh của từng trường. Rất khó để một trường, một nhóm nghiên cứu có thể bao quát tất cả khâu, các công việc trong một qui trình thiết kế.
Đẩy mạnh truyền thông về nhu cầu nhân lực; lương, phúc lợi và cơ hội làm việc tại các nước tiên tiến để thu hút thêm sinh viên giỏi.
Ưu đãi về thuế thu nhập cũng là một động lực để giữ chân nhân tài, thu hút nhân tài các nước và đẩy nhanh việc đào tạo nhân lực ngành này.
Các khách mời tham dự trong sự kiện.
Chương trình đào tạo tài năng thiết kế vi mạch – Synopsys Intensive Training 2023
PV: Tiêu chuẩn tham gia khóa học này là gì? Chương trình này dạy những gì và học phí ra sao?
Ông Vinh Nguyễn: Đối tượng tham gia là sinh viên mới tốt nghiệp, sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học, chuyên ngành đào tạo liên quan đến vi mạch như điện tử, viễn thông, tự động hóa, máy tính và vật lý tại miền Nam.
Chương trình đào tạo gồm 13 tuần toàn thời gian, tại trung tâm đào tạo thuộc SHTP. Nội dung giảng dạy ở tất cả các khâu thiết kế đang ứng dụng thực tế trong công nghiệp. Các phần mềm, giải pháp thiết kế và tài nguyên giảng dạy được tài trợ từ Synopsys cho chương trình đầy đủ và giống 100% những gì công ty chúng tôi cung cấp cho khách hàng toàn cầu.
Các học viên được dạy từ lý thuyết đến thực hành, tập trung phần thực hành để làm nắm rõ qui trình thiết kế, chuyên sâu theo các bước và biết cách khai thác các tài nguyên được cung cấp từ chương trình SARA của Synopsys. Synopsys Academic & Research Alliances – tổ chức trực thuộc Synopsys nhằm hỗ trợ phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy thiết kế vi mạch tại trường đại học.
Các học viên được tham dự các buổi hội thảo từ các chuyên gia vi mạch Việt Nam, được học thêm về kỹ năng mềm và được hỗ trợ thực hành trong suốt khóa học. Các học viên được thảo luận trong các nhóm làm việc để ôn tập và thực hành thường xuyên.
Chương trình hoàn toàn miễn phí. Học phí các chương trình tương tự tại các nước Mỹ, Đài Loan và Ấn Độ là 2100 Đô la Mỹ.
Ngoài ra, công ty Synopsys có hỗ trợ chi phí cho tất cả học viên tham dự khóa học như thực tập sinh chính thức của Synopsys Việt Nam. Chúng tôi còn trao phần thưởng bằng hiện kim để khuyến khích cho các cá nhân và nhóm học viên có thành tích đặc biệt trong khóa này.
PV: Xin cho biết tổng quan về chương trình và sự hợp tác giữa Synopsys và SHTP?
Ông Vinh Nguyễn: Với mong muốn được đồng hành cùng với chính phủ Việt Nam trong mục tiêu phát triển vi mạch điện tử quốc gia, đồng thời đóng góp vào hệ sinh thái công nghiệp vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam; vào ngày 26/8/2022, đại diện Synopsys, Đại học Quốc gia Tp.HCM và Saigon Hi-Teck Park (SHTP) đã ký bản ghi nhớ để Synopsys hỗ trợ đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Theo đó, Synopsys hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip thuộc SHTP, SHTP Chip Design Center (SCDC).
Chương trình tài trợ lần này gồm gói tài trợ phần mềm, các tài sản trí tuệ và các chương trình hỗ trợ tương ứng được Synopsys tài trợ cho SCDC trong 3 năm có giá trị nhiều triệu Đô la Mỹ. Tiếp đó, SHTP đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thiết lập trung tâm thiết kế chip SCDC từ nguồn xã hội hóa. Sự hợp tác nhằm mục đích đào tạo tài năng thiết kế vi mạch và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Đầu năm 2023, Synopsys và SHTP Training đã hợp tác tổ chức thành công khóa đào tạo giảng viên cho giảng viên các trường Đại học Kỹ thuật miền Nam với mục tiêu tiếp cận các phương pháp giảng dạy, tài nguyên giảng dạy và hỗ trợ phát triển các môn học chuyên ngành theo nhu cầu của các đơn vị trường, viện.
Tiếp nối sự hợp tác giữa các bên, tháng 6 năm 2023, Synopsys tổ chức lớp đào tạo tài năng thiết kế vi mạch với sự phối hợp và đồng hành từ SHTP Training. Năm nay chúng tôi đã tổ chức tuyển chọn 30 học viên xuất sắc nhất từ hơn 500 hồ sơ ứng tuyển. Các bạn sinh viên tài năng này đến từ các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM và Đại học Cần Thơ.
Riêng về chương trình đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong năm 2022, Synopsys cũng đã thành công tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch, chương trình đào tạo trực tuyến với 80 học viên cả ba miền Bắc – Trung – Nam.
Trước đó là chương trình chúng tôi đào tạo tài năng thiết kế vi mạch khóa đầu tiên với hơn 40 học viên. Các bạn học viên này đã được tuyển dụng làm việc ngay sau khóa học tại các nhóm thiết kế của Synopsys và các khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam và các nước lân cận.
Theo thống kê và theo dõi việc làm các học viên được đào tạo hằng năm, chúng tôi tự hào khi có hơn 90% các bạn học viên nhận được công viêc yêu thích ngay sau khóa học, số còn lại vẫn đang tìm cơ hội công việc sau khi tốt nghiệp đại học, hoặc tiếp học nâng cao hay đóng góp vào các nhóm nghiên cứu ở các trường viện.
PV: Ngoài các chương trình đào tạo trên, hiện Synopsys có các chương trình hợp tác và hỗ trợ đào tạo khác không?
Ông Vinh Nguyễn: Hiện chúng tôi có chương trình SARA của Synopsys. Synopsys Academic & Research Alliances (SARA) – tổ chức trực thuộc Synopsys nhằm hỗ trợ phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy thiết kế vi mạch tại trường đại học.
Trong khuôn khổ hợp tác với SARA, chúng tôi mang đến cơ hội hợp tác với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam trong việc tiếp cận công cụ thiết kế, qui trình thiết kế, thư viện thiết kế, tài nguyên giảng dạy; các trường viện cũng sẽ tạo cơ hội để tham khảo và cập nhật kỹ thuật và công nghệ, hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Chúng tôi hiện có đặt quan hệ và hợp tác với các trường đai học tiêu biểu tại khu vực phía Nam cũng như các khu vực khác trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo giảng viên, xây dựng phòng lab thiết kế vi mạch tiêu chuẩn và tiếp tục thúc đẩy các hợp tác khác trong việc nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu.
Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các khách hàng để tìm cơ hội hợp tác trong phát triển và chia sẻ các bài lab, bài giảng và xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho các khóa đào tạo bậc đại học và sau đại học. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp và các ý tưởng cho các hợp tác công tư khác từ doanh nghiệp và các bộ ban ngành.
Hải Ngọc