Với người Việt Nam, tên làng xã rất thiêng liêng, là “những địa danh trôi bằng máu và nước mắt”, xóa những cái tên có bề dày lịch sử làm mất đi một phần nguồn cội.
Có lẽ ít dân tộc nào có tình cảm gắn bó sâu nặng với đất như người Việt Nam. Trong ngôn ngữ Việt, khái niệm đất gắn với người mẹ, với tổ tiên, như “đất mẹ”, “quê cha đất tổ”; vùng đất quê hương được gọi là “nơi chôn rau cắt rốn”…
Đời này sang đời khác, các thế hệ người Việt sống quây quần trong thôn làng mà cha ông họ lập nên, đổ mồ hôi đổi lấy hạt lúa củ khoai, không tiếc đổ xương máu để đuổi những tên giặc cướp hay kẻ xâm lược… Vì thế, tên đất, mà trước hết là tên làng xã quê hương, với mỗi người đều thiêng liêng vô cùng.
“Những địa danh trôi từ thuở xa xôi
Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt
Đã đọng lại thành tên người, tên đất
Bao năm rồi suốt mặt phá, triền sông”.
Đoạn thơ ấy trong bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm nói hộ tâm tình những người đồng bào của ông trong mấy nghìn năm lịch sử, rằng địa danh không chỉ để phân định các địa giới hành chính. Tên đất nói lên lịch sử của cộng đồng sinh sống trên đó.
Bằng việc lao động và chiến đấu, bằng những hoạt động sống thường ngày, cuộc đời mỗi người dân đều góp phần tạo nên diện mạo của vùng đất.
Có rất nhiều ngôi làng được đặt tên theo dòng họ đã dựng xây và sinh sống lâu đời ở đó, chiếm đại đa số trong cộng đồng dân cư, như Đặng Xá, Đỗ Xá, Dương Xá, Trần Xá…, có nghĩa là làng của người họ Đặng, họ Đỗ, họ Dương, họ Trần.
Ở nhiều nơi trên đất nước này, địa danh được đặt theo tên những người có công khai hoang lập ấp, xây cầu mở chợ, hay chống giặc cứu dân, như cầu Thị Nghè, chợ Ông Tạ, cầu Ông Lãnh…
“Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho đất nước mình những núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…
… Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
(“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm)
Những địa danh cổ không mang tên người cũng phản ánh cuộc sống của người dân ở đó trong tiến trình lịch sử. Cái tên Mười Tám Thôn Vườn Trầu như kể câu chuyện về quá trình di dân lập nghiệp đầu thế kỷ 17 ở vùng đất thuộc địa phận Hóc Môn, Quận 12 và Củ Chi (TP.HCM) ngày nay. Người dân tứ xứ đến đây lập thành 6 thôn, rồi 18 thôn, trồng nên những vườn trầu lớn và nhờ đó có sản nghiệp, sống sung túc.
Nhắc đến Bát Tràng, người ta nhớ đến một vùng đất có truyền thống làm gốm lâu đời, đến cái đẹp được tạo ra từ nhiều thế hệ nghệ nhân, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhiều tên làng nghề khác cũng vậy.
Địa danh chính là hồn vía, là tâm can con người, hết sức quý giá và thiêng liêng. Tên đất trong tâm thức người Việt gắn với gốc gác, cội nguồn. Vì vậy, việc xóa bỏ địa danh cổ đã in đậm trong ký ức cộng đồng khi sáp nhập các đơn vị hành chính là một sự vô tâm đến mức vô ơn và phản bội.
Dù không cố ý, đó vẫn là sự chối bỏ cội nguồn, như xóa đi một trang sử, xóa đi một phần quá khứ mà mai đây khi muốn tìm lại thì đã muộn.
Sáp nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, nhưng những giá trị văn hóa, lịch sử từ xa xưa trong cộng đồng dân cư vẫn còn đó. Giữ tên làng xã cổ là giữ cái neo để gắn kết tâm hồn con người hiện đại với những giá trị truyền thống, để hồn dân tộc luôn được tiếp nối qua các thế hệ như một mạch nguồn bất tận.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.