Những người thợ gốm Bát Tràng đang ngày ngày nắn tạo hình hài, thổi hồn vào từng sản phẩm, để làng nghề không bao giờ lụi tàn, mà vẫn sống động trong đời sống hiện đại.

Giữ lấy gốc rễ của làng
Chiều ngày 28.6, chúng tôi về làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), từ đằng xa đã vang lên những tiếng đập đất, tiếng bàn xoay, tiếng rít của lò nung. Mùi đất, mùi men gốm và cả khói bếp lò pha trộn vào nhau tạo nên một thứ hương rất riêng – “mùi của nghề”. Dọc theo những con ngõ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người thợ vẫn cần mẫn chuốt gốm bên bàn xoay.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn (70 tuổi, ngụ tở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) – người có khoảng 65 năm trong nghề – chia sẻ: “Làm gốm phải có cái tâm. Chỉ có tâm mới giữ được nghề. Giữ nghề là giữ lấy tổ tiên, giữ lấy gốc rễ của làng này”.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn kể, từ nhỏ ông đã được ngồi bên bàn xoay, học cách “lắng nghe đất” từ cha và ông nội. Với ông, đất sét là linh hồn của nghề, là máu thịt. Từng nắm đất, từng mẻ men là kết tinh của thiên nhiên và trí tuệ con người.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, làng gốm Bát Tràng được hình thành vào thời Lý – Trần, nổi danh là lò gốm cung đình. Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Bát Tràng vẫn luôn gìn giữ được bản sắc độc đáo. Cho đến nay, nghề gốm vẫn giữ vai trò là mạch máu văn hóa của cộng đồng, là nét sống tinh tế được kết tinh qua bàn tay dát men, khắc chìm, chạm rỗng, vẽ tay trên từng sản phẩm.
“Hiện Làng gốm Bát Tràng đã có tour tham quan kết hợp trải nghiệm, từ việc nhồi đất, ủ men, nặn tạo hình đến vẽ. Không chỉ thu hút người Việt, khách ngoại quốc cũng đến “làm gốm một ngày”, thấy được sự công phu, từ đó thêm trân trọng sản phẩm thủ công. Nhiều du khách nước ngoài sau đó đặt in tên, địa danh, kỷ niệm lên chén, bình mang về – vừa tạo giá trị tinh thần, vừa giúp nghệ nhân có thêm thu nhập”, ông Sơn chia sẻ.
Làng nghề không thể thiếu thế hệ kế cận
Nếu như trước đây, hình ảnh làng gốm gắn với những nghệ nhân lớn tuổi thì nay, không khó để bắt gặp những bạn trẻ đầy đam mê đang tạo dáng gốm hay nghiên cứu men mới ngay tại Bát Tràng. Họ là thế hệ 9X, 2K; được đào tạo bài bản tại các trường mỹ thuật, công nghiệp nhưng lại chọn trở về làng, dấn thân vào nghề truyền thống.
Em Nguyễn Minh Quang (25 tuổi, ngụ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), tốt nghiệp ngành Gốm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – chia sẻ: “Bản thân có năng khiếu mỹ thuật, được người bác ruột là nghệ nhân Tô Thanh Sơn động viên và định hướng nên đã học tập và rèn luyện để theo nghề gốm.
Để sống được với nghề, em Quang cho biết, xưởng của em đang khởi nghiệp bằng các hình thức mới mẻ: bán hàng online, sản xuất quà lưu niệm thủ công, làm đồ gốm cá nhân hóa theo yêu cầu. Chính khách hàng là người đưa ra ý tưởng để nghệ nhân thực hiện. Qua đó, nghệ nhân trẻ có thể tiếp cận thị trường mới, đưa sản phẩm truyền thống ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn cũng chia sẻ: “Ngày nay, làng nghề gốm Bát Tràng đã mở rộng mô hình du lịch trải nghiệm. Du khách đến tham quan lò gốm cổ, học làm gốm, thưởng thức văn hóa làng nghề. Bát Tràng không chỉ là điểm đến, mà là nơi gìn giữ ký ức đất Việt.
Theo nghệ nhân Tô Thanh Sơn, để giữ được làng nghề không chỉ cần gìn giữ kỹ thuật, mà phải có người truyền lửa và sáng tạo. “Giới trẻ không quay lưng với nghề truyền thống như nhiều người nghĩ. Vấn đề là làm sao để nghề đó hấp dẫn, có tương lai, có thu nhập và có không gian phát triển” – nghệ nhân Tô Thanh Sơn khẳng định.