Định giá TTCK Mỹ cao có thể ảnh hưởng không tốt tới TTCK Việt Nam năm 2025, nhưng những yếu tố tích cực trong nước sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ thị trường.
Tác động từ bên ngoài
Theo đánh giá của ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam, năm 2025, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội do định giá thị trường ở mức thấp và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang quay trở lại.
Bên cạnh đó, có ý kiến đánh giá việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua sẽ tác động tích cực đến TTCK. Trên thực tế, vấn đề này rất khó đoán do còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng.
Có thể thấy, Việt Nam là nước xuất siêu vào Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mexico. Tuy nhiên, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump đã đưa ra rất nhiều chính sách về thuế quan, để đánh lên các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó mạnh nhất là Trung Quốc, đồng thời sẽ xử lý các vấn đề liên quan đến Mexico.
Điều đó yêu cầu Việt Nam phải nhập từ Mỹ nhiều hơn như nông sản, dầu khí, hoặc các trang thiết bị quân sự để giảm xuất siêu quá lớn vào quốc gia này, dẫn đến Việt Nam có thể bị ảnh hưởng mạnh. Trong báo cáo phân tích của một tổ chức tại Mỹ, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ 0,2 – 0,4% trong tăng trưởng GDP năm 2025.
“Ngược lại, vẫn có các yếu tố kỳ vọng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, đó là cuộc chiến giữa Nga – Ukraine sẽ chấm dứt, tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới. Việc đổ tiền vào quân sự, thâm hụt của các nước sẽ giảm bớt, áp lực lạm phát đồng thời giảm khiến cho kinh tế chung toàn cầu tăng trưởng tốt hơn.
Ngoài góc nhìn về hành xử của vị Tổng thống mới, chúng ta còn có góc nhìn là ứng xử của các nước. Đơn cử Việt Nam là một nước rất quan tâm và theo sát những vấn đề chính trị ở Mỹ, bởi chúng ta là một đối tác thương mại chiến lược toàn diện với Mỹ. Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Mỹ chiếm khoảng gần 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung”, ông Phục phân tích.
Xét về rủi ro với TTCK Việt Nam năm 2025, vị chuyên gia cho rằng định giá TTCK Mỹ khá cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chúng ta. Theo một thống kê trên 20 yếu tố định giá do Bank Of America thực hiện, thì có 19 yếu tố đang cao hơn so với trung bình.
Đặc biệt, một câu chuyện đáng quan tâm là tỷ phú Warren Buffett đã bán rất nhiều cổ phiếu trên thị trường và hiện chỉ nắm giữ 270,6 tỷ USD. Trong khi tổng tài sản của tập đoàn Berkshire Hathaway là 1.147 tỷ USD, như vậy cổ phiếu này đang chiếm khoảng 25-26%, là mức tỷ trọng cổ phiếu thấp nhất trong lịch sử của tập đoàn này.
Cùng với đó, lượng tiền, tương đương tiền đầu tư vào tín phiếu, trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn (được gọi là “tài sản lỏng”) đã nâng lên mức 336 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên tổng tài sản lỏng lớn hơn cổ phiếu. Từ đó cho thấy, vị tỷ phú đã rất thận trọng với TTCK Mỹ. Những yếu tố này hoàn toàn có thể giải thích được là do định giá quá cao khiến “ông trùm” đầu tư quyết định chốt lời, sau đó vẫn mua được trái phiếu, tín phiếu kỳ hạn ngắn với lãi suất khá cao từ 4,5 – 5%. Đây là những rủi ro có thể tác động không tốt đến TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh) cũng nhận định, có nhiều yếu tố bất định đến từ bên ngoài, nhất là sự mạnh lên của đồng USD và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Khi lãi suất tại Mỹ tăng, dòng vốn quốc tế có xu hướng chuyển về những thị trường có lãi suất hấp dẫn hơn, điều này tạo ra một áp lực lên các thị trường khác bao gồm Việt Nam. Do đó, sự bất ổn từ các chính sách thương mại và sự thay đổi trong môi trường tài chính quốc tế sẽ là yếu tố cần được tính toán kỹ càng.
Kinh tế Việt Nam ổn định
Phân tích về tình hình trong nước, đại diện AzFin nhìn nhận, động lực để tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai là hoạt động đầu tư phải tương đối mạnh.
Thứ nhất, trong 10 tháng năm 2024, đầu tư công chỉ đạt 495.900 tỷ đồng, tăng 1,8% là mức giải ngân tương đối thấp. Vì vậy động lực từ đầu tư công thúc đẩy kinh tế trong năm tới không mấy khả quan. Bù lại, đầu tư tư nhân đã tăng 7% và chiếm tới hơn 50% tổng đầu tư toàn nền kinh tế. Đồng thời đầu tư FDI tính đến hết 10 tháng 2024 là 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu đáng kể.
Thứ hai, các yếu tố như an sinh xã hội, thu nhập, tiêu dùng trong nước phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Tính trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tăng 14,9% và nhập khẩu tăng 16,8%, xuất siêu đạt 23,31 tỷ USD giúp áp lực lên tỷ giá bớt đi phần nào.
Thứ ba, lạm phát là một điểm sáng. Trong 10 tháng, lạm phát chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, còn lạm phát bình quân 10 tháng so với cùng kỳ tăng 3,78%, đều là mức lạm phát tương đối thấp hỗ trợ nền kinh tế tốt.
“Xét các yếu tố trên, thì năm 2025 sẽ là một năm tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định đối với Việt Nam, cung tiền tốt không bị thắt chặt, từ đó TTCK về cơ bản cũng được hưởng lợi”, đại diện AzFin Việt Nam dự báo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh tỷ giá, lạm phát và lãi suất toàn cầu có những biến động khó lường. Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô ổn định và chiến lược đầu tư rõ ràng, thị TTCK Việt Nam vẫn có thể tạo ra cơ hội lớn trong tương lai.