Việc ‘khát’ vốn trong suốt thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, ngày 7-9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Đây được xem là một ‘liều thuốc’ kịp thời để vực dậy nền kinh tế, nhưng lại chưa đủ để thỏa cơn khát thiếu vốn như hiện nay.
Tính đến ngày 26-8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Ước tính có thêm khoảng 400.000 tỷ đồng vốn nữa sẽ được cho vay. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả mà cộng đồng doanh nghiệp lúc này đang mong chờ.
Nới room tín dụng là quyết định đúng đắn và kịp thời
Theo NHNN, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia nhận định, đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không siết tín dụng bất hợp lý. Được biết, mức độ nới sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và quy mô tín dụng của từng ngân hàng.
Có 15 trên hơn 35 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh đi đầu trong việc thực hiện các quyết định của Chính phủ được cấp thêm room. Trong đó gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và 11 ngân hàng tư nhân: Sacombank, HDBank, MB, OCB, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB… Mức bổ sung lần này cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%, trong đó có hai ngân hàng được nới room hơn 3%.
Ngân hàng Agribank vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%. Với quy mô dư nợ top đầu hệ thống, dự kiến nhà băng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường đến hết năm. Được nới thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%, ngân hàng Sacombank dự kiến còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đồng đến hết năm.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.
“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế – xã hội”, ông Mạc Quốc Anh bình luận.
Chưa đủ thỏa cơn khát thiếu vốn…
Với dư địa cho vay khiêm tốn từ gần 1 – 4% này, giới ngân hàng cho biết phải tính toán kỹ lưỡng việc phân bổ cho hợp lý, khả năng giải ngân hồ sơ mới là không cao. Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, nguồn vốn cho vay sẽ được dồn vào các ngành sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán và kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế hoặc chỉ ưu tiên thực hiện những hợp đồng cam kết cấp tín dụng từ trước.
Trao đổi với phóng viên báo chí, nhân viên tín dụng của một nhà băng có vốn nhà nước cho hay, sau khi được cấp thêm room, chi nhánh nơi cô công tác vẫn không nhận hồ sơ vay mới, chỉ giải quyết cho các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân.
Ở nhóm nhà băng không được nới trần tín dụng lần này, dư địa cho vay càng khó hơn. Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ cho biết, nhà băng ông không thuộc top 15 được nới room. Tình thế này khiến chi nhánh phải điều chỉnh danh mục cho vay hiện tại, tăng cường thu hồi nợ quá hạn và giảm dư nợ với một số khách doanh nghiệp lớn lãi suất thấp để chuyển sang cho vay cá nhân có mức lãi suất cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước rất thận trọng trong việc nới room
Tổng giám đốc của một nhà băng tư nhân chia sẻ với phóng viên báo chí, doanh nghiệp cần vốn để phát triển, mở rộng kinh doanh nhưng ở góc độ người làm chính sách, có nhiều mục tiêu vĩ mô phải thực hiện trong đó quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát. Việc thoải mái trong việc cấp room tín dụng có thể khiến lạm phát mất kiểm soát, từ đó tác động lớn tới người dân, doanh nghiệp. Room tín dụng hạn chế sẽ khiến ngành ngân hàng đi chậm lại trong giai đoạn ngắn, nhưng đây là điều nên làm.
Cũng theo ông, lùi lại một bước trong ngắn hạn để tập trung nâng cao năng lực là cơ hội để ngân hàng phát triển mạnh hơn khi lạm phát ổn định. Bản thân doanh nghiệp phải tính toán lại phương án đi vay và đa dạng hoá các kênh huy động khác trong bối cảnh tiếp cận tín dụng khó hơn.
Từ góc độ ngân hàng, lãnh đạo nhà băng này ủng hộ Ngân hàng Nhà nước khi phải ưu tiên kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế biến động mạnh như hiện nay.
Đối với một quốc gia từng hứng chịu hậu quả nặng nề trong giai đoạn lạm phát hơn 18% như Việt Nam, việc cân bằng giữa hai mục tiêu: tăng cung tiền giải toả vốn phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, là bài toán mà nhà làm chính sách phải nâng lên đặt xuống.
Theo TTV