Khi nghe lãnh đạo huyện Lương Sơn kể về một loại chuối cung cấp lên cả máy bay để cho khách hàng không ăn ở độ cao 10.000m, tôi đã tò mò muốn trải nghiệm…
Giấm lạnh, giấm nóng và giấm thuốc
Trên đời, tôi ấn tượng nhất với quả chuối của ký ức, chuối tiêu quê, kích cỡ tuy nhỏ, có vỏ trứng cuốc, khi chín nom không được đẹp mắt lắm nhưng trong tiết trời se lạnh mà trót cắn một miếng vào rồi chỉ muốn đắm chìm mãi trong hương vị quyến rũ của nó.
Thứ nhì là quả chuối tiêu xuất khẩu đi Nhật của HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) loại đặc sản từng được trồng ở xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cung tiến cho vua Bảo Đại cùng các vị quan chức Pháp thời xưa ăn. Nó thơm lừng, ngọt và dẻo sánh nên kích thích người ta muốn nhai mãi không ngừng.
Lần này, vừa đến đầu cổng của HTX Chuối Viba ở thôn Tân Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, tôi đã bị một mùi hương thơm ngào ngạt, thơm tưng bừng hấp dẫn. Tới khi được ăn quả “chuối máy bay”, tôi nhận ra ngay đó cũng là loại quả ngon chứ không như loại chuối to đùng nhưng chua chua, nhàn nhạt được bày bán ê hề từ vỉa hè đến nhiều cửa hàng, siêu thị.
Trần Trung Đức, Giám đốc HTX Chuối Viba sinh năm 1991, là một người Kinh chính hiệu nhưng sinh sống ở xứ Mường với rừng xanh, núi thẳm và sông biếc. Học xong đại học ngành quản trị kinh doanh, đi làm một thời gian ở Hà Nội, anh có mở một cửa hàng bán hoa quả, nông sản vùng miền. Khi anh lấy chuối xanh các nơi về, không giấm thì chúng không chín đều được như người ta, hỏi ra mới biết thương lái toàn phải giấm (bằng nhiều cách) để chuối chín đều.
Vốn học chuyên ngành bằng tiếng Anh nên anh Đức đã nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, nhất là Mỹ, Châu Âu và thấy rằng các công ty của họ áp dụng rất mạnh công nghệ hiện đại vào việc trồng và sơ chế, bảo quản chuối. Họ đã đi trước Việt Nam quá lâu, nếu chúng ta không thay đổi thì mãi mãi sẽ không thể cạnh tranh được. Nghĩ vậy, năm 2015, anh quyết định đầu tư hệ thống giấm chuối trong phòng lạnh bằng khí ethylene sinh học với 7 bước hoàn toàn tự nhiên nên vừa an toàn, vừa giúp cho quả khi chín vẫn cứng, thơm, dẻo, ngọt và bảo quản được lâu.
Nó khác hoàn toàn với phương pháp giấm nóng cổ truyền của người dân bấy lâu nay là bỏ chuối vào trong chum, trùm chăn hay thắp hương để tạo nhiệt, hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc của gian thương khiến quả chín nhanh nhưng bị nhão, vị chua, không thơm, chóng bị hỏng. Khi giấm lạnh, nhiệt độ trong phòng phải duy trì ở mức 13 – 14 độ C liên tục suốt 7 ngày, nếu căn chỉnh thấp quá, quả chuối dễ bị bỏng lạnh, cao quá quả chuối dễ bị hỏng vị…
Thấy người tiêu dùng ngoài Bắc ưa chuộng giống chuối tiêu hồng hơn loại chuối già Nam Mỹ ở trong Nam chuyển ra nên anh hợp tác để nhập hàng từ tỉnh Hưng Yên về sơ chế, phân loại, ủ chín, đóng gói rồi giao đến tay khách hàng. Khi thị trường bắt đầu rộng mở thì nguồn cung bỗng dưng lại bị hạn chế bởi năm 2016 có một cơn bão quét qua tỉnh Hưng Yên làm tan tác những vườn chuối trên các bãi sông. Sự cố đó khiến anh Đức quyết định quay về xây dựng vùng nguyên liệu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình là Hòa Bình.
Sau khi thuê được 3ha đất trong thung lũng, anh áp dụng theo cách trồng chuối kiểu thủ công của người dân Hưng Yên. Tuy nhiên do chuối là cây trồng ngắn ngày, phát triển nhanh, không chăm sóc được kịp thời khiến cho năng suất rất kém. Thêm vào đó là chi phí trồng trọt trên những ô thửa bậc thang lớn, giá nhân công cao nên năm đầu tiên anh lỗ 400 triệu đồng. Năm thứ hai, vườn chuối bị dính bão, ngập lụt nên anh hòa vốn nhưng mất nhiều thời gian và công sức.
Cứ sau mỗi lần thất bại như thế, anh lại rút kinh nghiệm, phá vườn đi, quy hoạch mới, san gạt cho thật phẳng rồi trồng theo hàng, theo lối để dễ dàng chăm sóc, thuận lợi trong việc cơ giới hóa, đưa máy đến từng gốc bỏ phân, làm cỏ, tưới và thu hoạch. Nhờ vậy ở năm thứ ba, vườn chuối đã tối ưu được năng suất, đạt 50 tấn/ha, gấp 3 lần năm đầu, lãi trên 300 triệu đồng.
Từ đó, anh tự tin chuyển giao cây chuối tiêu hồng cho 20 hộ ở 2 xã Cao Dương và Liên Sơn với tổng diện tích 15ha. Trước đây, những vùng này bà con quen trồng ngô, khoai, sắn, để khuyến khích họ đổi sang đối tượng cây mới, ban đầu anh tặng giống chuối nuôi cấy mô, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định từ 4.000 – 6.000đ/kg. Sau một thời gian, ai nhiều đất, trồng hiệu quả thì mở rộng diện tích thêm, còn ai ít đất, trồng kém hiệu quả thì tự bỏ cuộc, trở về với cây trồng cũ khi hết chu kỳ khai thác.
Canh tác theo VietGAP ở quy mô công nghiệp nhưng anh Đức kết hợp chặt chẽ với nguồn phân chuồng có sẵn và dồi dào tại địa phương để tăng năng suất, giảm chi phí và đảm bảo an toàn trong sản xuất cũng như trong thực phẩm. |
Sự cầu kỳ của quả “chuối máy bay”
HTX Chuối Viba thành lập năm 2018 với 20 thành viên, giờ chỉ còn 16 thành viên nhưng đều là những người đắm đuối với nghề. Không chỉ hợp tác với các thành viên, đơn vị còn mở rộng liên kết ra bên ngoài với tổng diện tích 100ha tại các tỉnh, thành như Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nội rồi bao tiêu đầu ra. Năm 2019, anh Đức thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Viba. Cả hai đơn vị đều nằm trong chuỗi liên kết từ trồng đến sơ chế, bảo quản, tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng và trong tương lai gần là chế biến các sản phẩm từ chuối.
Vai trò chính của HTX là liên kết các thành viên để tập trung trao đổi kỹ thuật cũng như cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu chuối, đáp ứng được cả về chất lượng cũng như số lượng. Vai trò của Công ty TNHH Nông nghiệp Viba là kết nối thị trường và định hướng cho HTX cách làm, cách trồng để đáp ứng đúng theo thị hiếu của người tiêu dùng.
Trung bình mỗi năm, Viba cung cấp ra thị trường khoảng trên 1.000 tấn chuối. Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, nhờ vẫn được phép hoạt động nên toàn bộ Công ty và HTX đã quyết tâm vượt qua khó khăn để vừa làm việc vừa chống dịch với tinh thần cao nhất, đảm bảo không thiếu hàng cho Hà Nội. Đơn vị có trên 500 khách hàng thân thiết là các siêu thị, chuỗi cửa hàng, tiêu biểu có thể kể đến như Winmart, Coop food, Tmart, cảng hàng không Nội Bài…
Riêng việc đưa chuối lên máy bay để khách hàng không thưởng thức chúng ở độ cao 10.000m giữa trời mây cũng hết sức cầu kỳ. Ngoài yêu cầu chung về chuẩn VietGAP, còn có thêm yêu cầu riêng về mẫu mã không được tì vết và đặc biệt là kích thước sao cho mỗi quả nặng khoảng 120 – 140gram để đặt vừa khay đựng trên máy bay, cả quả to hơn lẫn quả nhỏ hơn đều bị loại.
Nhiều đơn vị yêu cầu sản lượng 12 – 13 tấn/ngày nhưng hiện HTX chỉ đảm bảo được 5 – 7 tấn/ngày nên không dám ký thêm. Không chỉ dừng lại ở quả chuối dành riêng cho thị trường nội địa, anh Đức còn ấp ủ kế hoạch trồng đa dạng các loại cây như ngô, khoai, sắn, vải, nhãn, bơ… rồi đông lạnh để xuất khẩu.
“Vừa trồng chuối tôi vừa đi mua quả chuối nguyên liệu, mỗi nông dân lại có sự sáng tạo khác nhau, đáng để học tập kinh nghiệm. Chuối mỗi năm một vụ, có rất nhiều vấn đề phát sinh trong sản xuất như hệ thống tưới phải thay đổi sao cho phù hợp, rồi máy móc trang thiết bị, giống nuôi cấy mô đặt mua ở đâu đảm bảo vì có lần tôi đã bị lẫn cả chuối tiêu xanh vào chuối tiêu hồng.
Ngay cả khâu bán hàng, lúc đầu đơn nhiều, thiếu người làm, công tác chăm sóc khách của tôi cũng không kịp thời, về sau tôi khắc phục bằng cách đặt hàng phần mềm kế toán, chăm sóc khách cả trên zalo, facebook. Trách nhiệm của HTX với người tiêu dùng là sản phẩm ngon, an toàn đã đành nhưng nếu mã xấu là có thể đổi trả. Trách nhiệm của HTX với nông dân là hướng dẫn họ sản xuất vụ sau tốt hơn vụ trước, cố gắng thu mua theo lời hứa nhưng tôi không khuyến khích trồng khi không đảm bảo được thị trường.
Do trải qua nhiều thất bại nên giờ đây tôi đã trở thành chai sạn, không có gì làm cho mình buồn quá hay vui quá, luôn xác định làm nông nghiệp kể cả gần đến thời điểm thu hoạch cũng có thể mất trắng là chuyện bình thường. Tôi mà không làm chuối không thuốc thì không biết ai sẽ làm, bởi vậy kể cả thất bại cũng không từ bỏ vì biết nếu mình dừng lại thì hàng trăm hộ nông dân theo mình bấy lâu sẽ bị ảnh hưởng”, anh Trần Trung Đức tâm sự.
Năm 2019, HTX chuối Viba đã nhận được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm chuối tiêu hồng giấm lạnh, chính là loại “chuối máy bay”. |
Theo Nongnghiep