Nông dân miền Tây hối hả vụ hoa Tết

Sau nhiều năm lo lắng vì dịch Covid-19, vụ hoa Tết năm nay được dự đoán mang lại nhiều niềm vui cho bà con nông dân miền Tây Nam bộ.

Nông dân miền Tây xuống giống vụ hoa Tết Giáp Thìn.

Là vựa hoa cây kiểng lớn nhất khu vực phía Nam, những ngày này, hàng trăm nhà vườn ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đang hối hả bước vào vụ hoa Tết. Anh Võ Văn Thành, 43 tuổi (phường Tân Qui Đông, TP Sa Đéc) cho biết, năm nay anh chuẩn bị hơn 2.000 chậu cúc mâm xôi và khoảng 2.000 chậu hoa hồng lửa, cúc vạn thọ, cúc hà lan.

“Tôi trồng hoa kiểng quanh năm nhưng đợt cuối năm là vụ quan trọng nhất, thu nhập hơn nhiều lần so với tất cả các tháng khác. Năm nay tôi đầu tư khoảng 120 triệu đồng tiền vốn cho vụ hoa tết, cao hơn mấy năm trước rất nhiều”- anh Thành nói và cho biết thêm, nông dân ở Sa Đéc có cách trồng hoa cây kiểng độc đáo so với những nơi khác, đó là đặt hoa cây kiểng lên những giàn cao có khung thép hoặc cây tràm rồi dẫn nước ngập trên ruộng. Cách làm này phát sinh thêm chi phí khung giàn, thời gian chăm sóc nhưng bù lại hoa cây kiểng nằm trên ruộng nước hạn chế được sâu bọ, không phải phun thuốc nhiều như những nơi khác. Ngoài ra, vì đặc điểm trồng hoa trên ruộng ngập nước mà nhiều nông dân ở đây còn thu hút khách du lịch tham quan (di chuyển, chụp ảnh, ngắm vườn hoa kiểng trên ghe thuyền) rất độc đáo.

Thông thường, từ trước tết Nguyên đán chừng một tháng, khách du lịch khắp nơi đổ về những vườn hoa kiểng của nông dân Sa Đéc để tham quan, du lịch.

Nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc có từ hàng trăm năm nay. Hiện có khoảng 700ha trồng hoa với 3.000 hộ dân tham gia, kết hợp bán và du lịch, là nghề chính của thành phố. Ngoài thị trường tiêu thụ ở TPHCM, hoa của nông dân Sa Đéc cũng xuất đi nhiều địa phương khác với khoảng 2.000 loại hoa, cây kiểng khác nhau.

Những ngày này đi dọc đường quốc lộ 57 đoạn qua huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), rất dễ thấy hàng trăm nhà vườn tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết. Đây là khu vực trồng hoa kiểng lớn thứ 2 ở phía Nam, cũng có lịch sử lâu đời, thu hút hàng nghìn hộ dân ở nhiều xã, thị trấn.

Anh Nguyễn Văn Huy (34 tuổi) – chủ một nhà vườn rộng hơn 2.000m2 ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) cho biết: “Tôi và anh trai đều trồng hoa kiểng Tết, cuối năm còn thuê cả mặt bằng trên Bình Chánh (TPHCM) mang hoa lên đó bán. Năm nay tôi trồng duy nhất một loại là cúc mâm xôi. Năm ngoái tôi trồng toàn cúc chân dài nhưng bán không chạy lắm, bị lỗ gần 50 triệu đồng nên năm nay chuyển hướng” – anh Huy chia sẻ.

Cũng theo kinh nghiệm của anh Huy, sau mấy năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm nay thị trường hoa kiểng Tết sẽ sôi động hơn. “Vẫn biết kinh tế khó khăn nhưng bỏ ra vài trăm nghìn mua vài chậu hoa kiểng Tết thì không phải là vấn đề với người tiêu dùng. Nếu thuận lợi, vụ tết năm nay có thể sẽ thắng lớn” – anh Huy tự tin nói.

Theo ông Trần Hữu Nghị – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) địa phương có 600ha hoa kiểng phục vụ nhu cầu Tết, thu hút 13.000 hộ dân tham gia. Mỗi năm nông dân Chợ Lách cung ứng ra thị trường khoảng 15-17 triệu sản phẩm hoa kiểng Tết. Năm nay, diện tích hoa kiểng Tết tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Ông Nghị cũng khuyến cáo nông dân Chợ Lách cần chủ động nguồn nước tưới tiêu dịp cuối năm vì có thể hạn mặn xâm nhập sớm làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước tưới, tác động xấu lên hoa cây kiểng.

Dù có quy mô nhỏ hơn nhưng làng hoa Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cũng là làng hoa kiểng lâu đời và có nhiều người dân tham gia. So với Chợ Lách và Sa Đéc, thương hiệu hoa Tết Mỹ Phong không lớn mạnh bằng nhưng nông dân nơi đây có lợi thế là gần thị trường TPHCM sôi động.

Nhiều nông dân ở Mỹ Phong cho biết, những ngày gần Tết, họ vẫn có thể chở hoa kiểng bằng xe tải, thậm chí cả xe ba gác lên TPHCM bán trực tiếp cho người tiêu dùng vì khoảng cách chỉ vỏn vẹn khoảng 50km. Những loại hoa kiểng chính ở Mỹ Phong là cúc vạn thọ, cúc đại đóa, hồng, mâm xôi, mai vàng…

Theo Báo Đại đoàn kết