Chứng kiến những vụ mùa thất bại của người nông dân do chọn phải những giống cây kém chất lượng, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Thủy) đã hạ quyết tâm phải lập ra được phòng nghiên cứu để tìm ra những giống cây tốt nhất, khỏe nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho bà con.
Nữ doanh nhân quyết tâm vượt khó
Sau nhiều năm bỏ công sức nghiên cứu nhân giống cây trồng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy được người nông dân ở Đà Lạt đặt cho biệt danh thân thương “bạn của nhà nông”. Nhớ lại 20 năm về trước, khi vừa mới tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, chị Thuỷ xin vào Công ty TNHH Lâm Sinh làm công việc nhân giống nuôi cấy mô. Thời gian đầu đi làm, chị chỉ được giao làm những việc lặt vặt như dọn dẹp phòng thực nghiệm, cọ rửa lọ vệ sinh. “Nhiều lúc tôi cũng thấy nản lắm, đường đường học hành đàng hoàng nhưng lại làm những công việc như một tạp vụ. Có những lúc muốn bỏ nhưng rồi lại tự an ủi bản thân rằng mình cần thời gian và mình thực sự muốn gắn bó với nghề này”, chị Thuỷ chia sẻ.
Cũng theo lời nữ doanh nhân thì “nếu lúc đó tôi nản lòng thì đã không có An Thủy như ngày hôm nay. Vì trong quá trình làm việc ở công ty TNHH Lâm Sinh tôi cố gắng học hỏi để trau dồi kiến thức , được nghiên cứu thử nghiệm và làm được tất cả các cây giống mà nhu cầu thị trường đang cần và có. Lúc đó tôi nghĩ nếu bản thân nghiên cứu thêm nhiều loại giống cây thì cơ hội phát triển sẽ càng cao”.
Năm 2004, khi đã tích luỹ được kinh nghiệm trong tay, chị Thuỷ chuyển qua nuôi cấy mô cho Công ty Giống nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Ở môi trường mới, nữ doanh nhân Thu Thủy được thoả sức sáng tạo mình bằng việc tạo ra nhiều giống cây uy tín, chất lượng cao.
Đầu năm 2019, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy thành lập HTX An Thủy. Khi thành lập HTX, vốn điều lệ ban đầu chỉ có 1 tỷ đồng. “Do mình làm về công nghệ nên xây dựng cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Phải xây dựng hoàn thiện ngay từ đầu, vì nó là khâu vô trùng nên không thể nay làm một chút mai làm một chút. Và muốn chất lượng cây giống được tốt nên đầu tư toàn bộ 100% máy móc mới”.
Để có kinh phí, chị Thuỷ đã phải vay mượn của gia đình và bạn bè. Được biết bố mẹ chị Thuỷ đi kháng chiến, rồi cũng về quê làm nông nghiệp. Khi biết chị làm HTX hai cụ rất ủng hộ, có đồng nào là dồn cho con gái hết. Về phần bạn bè của chị, người có nhiều cho vay nhiều, người có ít cho vay ít.
Muốn tạo niềm tin với người nông dân
HTX vừa thành lập và đưa vào hoạt động chưa được bao lâu thì vướng 2 năm dịch bệnh. Trong lúc dịch bệnh HTX của chị đã quyết định chuyển hướng sản xuất cây giống hoa cúc trắng xuất khẩu thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo chia sẻ của nữ doanh nhân, do trước đó thị trường nội địa không chuộng màu trắng, nên cũng không nhiều người nghiên cứu và sản xuất giống hoa này. Chính vì vậy, khi biết thị trường nước ngoài có nhu cầu thì họ trở tay không kịp. Chị Thuỷ cho biết: “Năm 2022 này, tất cả 7 phòng mô tại Đà Lạt có hợp tác với đối tác Hàn Quốc thì chỉ có phòng mô của tôi đạt tiêu chuẩn. Chính vì thế các công ty của Hàn Quốc yêu cầu người nông dân trồng hoa cúc trắng phải lấy giống của HTX An Thuỷ thì họ mới nhập hàng”.
Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy đã từng không ít lần gặp thất bại. Theo chị chia sẻ thì nghề nhân giống cây này ít nhất phải nghĩ trước người ta ít nhất 1 năm. “Ví dụ năm nay mình đoán định sang năm thị trường sẽ ưa chuộng màu hoa này, sản phẩm này thì mình sẽ bắt tay nghiên cứu, vào mẫu cho sang năm. Trước đây tôi đã thành công cây salem, do tôi nghiên cứu và vào mẫu 6 tháng trước đó. Sau này tôi tiếp tục thành công cây lá chanh”, chị Thuỷ cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, HTX An Thuỷ đã đầu tư xây dựng 3 phòng nuôi cấy mô thực vật, phòng lap, phòng thực nghiệm đủ tiêu chuẩn, với thiết bị hiện đại, tổng diện tích 700m2. Vườn ươm diện tích hơn 1.000m2 với các nhà lưới tán xạ, có lưới chống côn trùng xâm nhập, hệ thống phun sương tự động phục vụ cho nhân giống sau cấy mô. Cơ sở vật chất của HTX đạt năng lực sản xuất lên đến 6 triệu cây giống/năm.
Người hỗ trợ đắc lực cho nữ doanh nhân trong những ngày đầu khởi nghiệp chính là ông xã. Trước đó ông xã chị làm trong ngành phân và thuốc bảo vệ thực vật ở một công ty nước ngoài nhưng khi vợ thành lập HTX anh đã xin nghỉ việc về khởi nghiệp cùng vợ. Khi người nông dân lấy giống cây, anh ấy sẽ tư vấn về thuốc và phân phù hợp để giúp họ đạt hiệu quả cao nhất. Chia sẻ với phóng viên, chị Thuỷ nói rằng may mắn lớn nhất của chị là gặp được ông xã, người đã luôn cùng chị “chung lưng đấu cật” trong mọi khó khăn.
Có được thành công như ngày hôm nay, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thuỷ cũng không quên ơn toàn thể nhân viên trong HTX An Thuỷ, những người đã cùng chị “kề vai sát cánh”. Bản thân chị luôn coi họ như một gia đình lớn. “Giai đoạn dịch cao điểm tất cả các phòng nuôi cấy mô khác họ phải cho nhân chia nhau ra làm 3 ngày/tuần nhưng ở HTX An Thuỷ thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Tôi đã động viên nhân viên của mình bằng cách hỗ trợ mỗi bạn 2 tháng lương đồng thời chuẩn bị lương thực để các bạn ấy yên tâm khi phải áp dụng phương án 3 tại chỗ”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Những khách hàng đến với HTX An Thủy luôn được tiếp đón và hướng dẫn rất nhiệt tình từ cách xuống giống cũng như chăm sóc cây. Đối với một số nông dân khó khăn về tài chính An Thuỷ luôn sẵn sàng giúp đỡ thậm chí đầu tư cho họ khi nào trồng cây thu hoạch mới thanh toán. Càng làm việc nhiều với người nông dân, chúng kiến những vất vả của họ chị Thuỷ càng muốn nghiên cứu và tìm những sản phẩm tốt để hổ trợ cho họ giảm bớt rủi ro, thiệt hại trên đồng ruộng.
Hiện tại HTX được Sở Khoa Học và Công Nghệ Tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ về kinh phí đào tạo chứng nhận ISO 9001- 2015. Nhờ có ISO 9001- 2015 mà HTX đã có một quy trình đồng nhất đẻ sản xuất ra các loại cây giống có chất lượng và năng suất cao, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình sản xuât. Liên Minh HTX Lâm Đồng hỗ trợ cho HTX An Thủy vay vốn 1 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX Tỉnh Lâm Đồng.
Để đáp ứng niềm tin yêu của người nông dân, sắp tới HTX của nữ doanh nhân sẽ mở rộng thêm diện tích vườn ươm, để đủ công suất hoạt động 60 công nhân và sản xuất 9-10 triệu cây giống/năm.
Kinh doanh là tạo ra lợi nhuận nhưng với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thuỷ thì việc ngày càng giúp được nhiều nông dân có được giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tốt, năng suất cao mới chính là điều hạnh phúc nhất.
Theo Danviet