Nữ nhân viên ngành tài chính chỉ cách tiết kiệm tiền cho người thu nhập thấp

Từ một gia đình gặp khó khăn về tài chính, thu nhập không đủ chi tiêu, nhờ ghi chép lại thu chi và tiêu dùng thông minh mà giờ đây họ đã mua được nhà, xe ô tô và có kinh tế để lo cho 3 con ăn học.

Thay đổi chi tiêu giúp tiết kiệm tiền nhờ câu nói của chồng

Tiết kiệm tiền khi thu nhập thấp có thể là một thách thức, nhưng vẫn có những cách hiệu quả để làm điều đó. Ảnh: Unsplash

Chị Nguyễn Thị Ngọc (40 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị đã trải qua những giai đoạn khó khăn, thu nhập không đủ chi tiêu.

“Ngày mới ra trường, tôi làm việc tại một Ngân hàng ở Quảng Ninh và nhận được thu nhập cao, vì thế mọi chi tiêu tôi không ghi chép lại và cũng chẳng nghĩ nhiều về tương lai. Nhưng đến khi gia đình bất ngờ gặp nhiều biến cố, nợ nần, tôi nghỉ việc ngân hàng, thay đổi nơi sinh sống…biết bao khó khăn dồn dập đến”, chị Ngọc nhớ lại.

Từ năm 2014-2017, là khoảng thời gian chị Ngọc trải qua nhiều khó khăn nhất về tài chính. Lương thưởng công việc cũ đang từ 15-20 triệu đồng/tháng, sau đó chỉ an phận với mức lương 4 triệu, lại còn lo trả nợ. Chồng chị thời điểm đó cũng ít việc, thu nhập bấp bênh.

Với mức thu nhập thấp, cùng với chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ ở Quảng Ninh, lại phải đi thuê nhà, cuộc sống của một gia đình 4 người trở nên chật vật hơn bao giờ hết. Chồng cứ đưa tiền vài ngày là chị Ngọc lại hỏi tiếp.

Tuy nhiên, có một lần, chồng chị vừa cười vừa trêu đùa “Anh vừa đưa cho em mà em đã tiêu hết rồi à, em tiêu gì nhanh vậy?”. Chị Ngọc trả lời rằng chỉ mua đồ ăn và chi tiêu trong gia đình thôi. Nhưng chính câu nói ấy của chồng khiến chị Ngọc phải suy nghĩ.

Chân dung chị Nguyễn Thị Ngọc – một người đã trải qua những giai đoạn khó khăn khủng hoảng về tài chính. Thế nhưng giờ đây nhờ biết quản lý tài chính tốt hơn, gia đình chị đã mua được nhà, xe và có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: NVCC

Sau đó, chị quyết định ghi chép lại việc chi tiêu trong gia đình. Thật kỳ diệu, chỉ sau 3-4 tháng, nhìn vào bảng tổng thể chị Ngọc thấy rằng có những khoản chi chị nên cắt giảm, điều chỉnh để có thể tiết kiệm. Cứ thế, vợ chồng chị Ngọc đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khủng hoảng ấy.

Năm 2020, chị Ngọc chuyển công tác lên Hà Nội cùng chồng, đúng lúc Covid-19 đến, khó khăn càng thêm chồng chất. Tới năm 2021, chị Ngọc thi đỗ vào Tổng cục Thuế, đây cũng là bước ngoặt giúp mọi thứ thay đổi tốt hơn cho bản thân và gia đình. Nhờ tiết kiệm chi tiêu lúc có lương, mà vợ chồng chị Ngọc vượt qua được những giai đoạn khó khăn như ốm đau đi viện, thay đổi chỗ ở, nghỉ việc không có thu nhập.

“Kiếm được tiền là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là bạn phải biết cách tiết kiệm được tiền. Vì nếu không biết quản lý tài chính, có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu thì cũng giống như lúc tôi làm Ngân hàng lương cao nhưng không để được đồng tiết kiệm nào”, chị Ngọc nhắn nhủ.

Hiện tại, sau 4 năm chuyển công tác ra Hà Nội, gia đình chị Ngọc đã thực hiện được ước mơ mua được căn chung cư Hà Nội, có ô tô nhỏ để cả gia đình về quê đỡ vất vả, đưa được 3 con lên Hà Nội học tập ổn định .

Cách tiết kiệm tiền cho người thu nhập thấp

Hầu hết đồ ăn chị Ngọc thường mua ở quê vào những dịp cuối tuần

Dưới đây là những kinh nghiệm của chị đẹp 3 con chia sẻ về cách tiết kiệm, hy vọng những bạn đã và đang gặp khó khăn giống chị thời gian trước đây, có thêm động lực để cố gắng và có thêm kinh nghiệm quản lý chi tiêu hiệu quả.

1. Hãy ghi chép lại thu nhập và chi tiêu của bạn và gia đình, để rút kinh nghiệm và quản lý chi tiêu tốt hơn. Cân đối mọi thứ, để có khoản tiết kiệm 10-20% mỗi tháng.

2. Đồ ăn: Nhà chị Ngọc quê ở Thái Bình, gần biển, nên hầu như mỗi tháng về quê 2-3 lần cuối tuần. Mỗi lần về sẽ mua đồ ở quê lên, vừa rẻ vừa chất lượng. Chị thường nhờ bố mẹ và các anh chị gặp đồ hải sản tôm cá mực ngon thì mua giúp, rồi cấp đông. Còn rau củ quả, mỗi lần về quê chị Ngọc cũng sẽ mua để đủ ăn trong 1-2 hôm. Ở Hà Nội, chị Ngọc chủ yếu mua hoa quả.

3. Thực đơn đi chợ, chị Ngọc thường mua cho cả tuần, rau nào nhanh hỏng ăn trước, củ quả để được lâu thì ăn sau. Rau củ quả muốn tươi để được lâu, các bạn để khô ráo sạch nước, cho vào hộp và bỏ ngăn mát tủ lạnh. Nhà chị Ngọc dùng 2 tủ, 1 tủ cấp đông để đồ đông lạnh và đồ sống có 1 ngăn đông 1 ngăn mát, 1 tủ đứng chuyên để đồ ăn chín và sạch (khá tiết kiệm điện và thoải mái để đồ ăn cho gia đình).

4. Gia đình chị Ngọc ít khi ăn ngoài, cả nhà 5 người luôn ăn đủ 3 bữa ở nhà, vì các con học gần nhà và hai vợ chồng cũng làm gần nên về nhà ăn uống đầy đủ. Có bé út học mẫu giáo nên ăn ở trường, tổng chi phí ăn uống nhà chị Ngọc cũng không nhiều. 1 tuần thì có 1-2 ngày chị sẽ cho các con mua đồ ăn sáng ở ngoài theo sở thích, còn lại là ăn đồ mẹ chế biến. Chồng chị Ngọc thì chỉ thích ăn ở nhà. Bữa sáng chị Ngọc thường làm những món đơn giản như bánh mì rán, nướng, cơm rang, bún miến nấu …

5. Bữa chính thì ăn uống cũng đơn giản không quá cầu kì (bao gồm 1 món canh, rau luộc, 1-2 món mặn (cá kho, cá rán, mực hấp, tôm luộc, gà nướng, vịt nướng, sườn xốt cà chua). Nhà chị Ngọc chủ yếu đồ biển, ít ăn thịt lợn, thịt bò.

6. Trước đây, gia đình khó khăn thì thi thoảng nhà chị Ngọc mới có món ăn tráng miệng, còn giờ kinh tế khá hơn thì khoản tiền hoa quả tráng miệng lại là nhiều nhất so với đồ ăn mặn hay rau củ. Vì cả nhà chị Ngọc đều thích ăn các loại hoa quả, sữa chua tự làm…

7. Chị lấy gạo từ Thái Bình lên, bố mẹ có thì xin mang đi, bố mẹ không có thì nhờ mua của hàng xóm,… nên cứ gần hết gạo là chị Ngọc điện về quê nhờ mua.