HDBank có hai quỹ ngoại đang nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bên cạnh cổ đông lớn là Công ty CP Sovico liên quan tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện nắm 14,27% vốn điều lệ.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank (mã chứng khoán: HDB) – vừa công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo công bố, ngân hàng này hiện chỉ có 2 quỹ ngoại sở hữu trên 1% vốn và một doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT.
Trong đó, quỹ đầu tư từ Phần Lan Pyn Elite Fund (Non-Ucits) đang nắm 2,2% vốn HDBank. Đơn vị này cũng giữ nhiều cổ phiếu của các ngân hàng khác như STB, MBB, CTG, SHB, TPB. Cổ phiếu HDBank chiếm 7,2% danh mục đầu tư của quỹ này.
Quỹ đầu tư còn lại là Baillie Gifford Pacific Fund đang sở hữu 2,19% cổ phần HDBank. Quỹ ngoại này cũng đang sở hữu một số cổ phiếu ngân hàng khác với tỷ lệ thấp hơn như VCB, MBB.
Bên cạnh đó, trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ HDBank còn có Công ty CP Sovico (Sovico Holdings), sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này.
Liên quan tới Công ty CP Sovico, đây cũng chính là doanh nghiệp được sáng lập bởi nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo. Hiện bà Thảo giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT của HDBank. Bà Thảo cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sovico (Sovico Group), là công ty đầu tư vào HDBank thông qua Sovico Holdings.
Người đại diện theo pháp luật của Sovico Holdings hiện là ông Phạm Khắc Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sovico, đồng thời cũng là phó tổng giám đốc điều hành của Sovico Group.
Trước đó, tại ngày 18/3, danh sách cá nhân nắm trên 1% vốn điều lệ HDBank vẫn ghi nhận 2 phó chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Hữu Đặng. Trong đó, bà Thảo nắm 3,75% vốn, còn ông Đặng nắm 2,77% vốn. Cá nhân sở hữu vốn cao nhất tính tại thời điểm tháng 3 là ông Phạm Văn Đẩu, người phụ trách quản trị ngân hàng HDBank với số vốn 4,34%.
Nhưng trong danh sách cập nhật mới nhất, các cá nhân này đều đã không còn nắm giữ trên 1% vốn của HDBank.
Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập Kim Byoungho hiện cũng không nắm trong tay cổ phiếu HDBank.
Về tình hình kinh doanh, tại “Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 24/7 vừa qua, lãnh đạo HDBank tiết lộ, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt hơn 382.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi có hiệu lực) từ 1/7, các ngân hàng phải công bố thông tin cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ và người có liên quan. Danh sách người có liên quan cũng được mở rộng so với trước.
Đồng thời, luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.