Tại các tỉnh ĐBSCL, cho tôm “ôm” lúa, hay nuôi tôm trong rừng ngập mặn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa ngon, được thị trường ưa chuộng.
Cho tôm “ôm” lúa – mô hình bền vững
Tại hội nghị sơ kết “Xây dựng mô hình tôm – lúa và tôm – rừng liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Sóc Trăng tổ chức mới đây, các đại biểu đã tham quan mô hình tôm – lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị tại HTX Nông ngư Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Mô hình này triển khai vào tháng 6/2022, tại xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên), có 15 hộ tham gia, tổng diện tích 15ha. Các hộ nuôi tôm theo quy trình VietGAP và xây dựng thành công chuỗi liên kết 6 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; người nuôi; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản; cơ sở thu gom; cơ sở chế biến).
Theo Tổng cục Thuỷ sản, đến năm 2020 diện tích mô hình tôm lúa trên cả nước khoảng 212.000ha, sản lượng ước đạt trên 84.700 tấn. Diện tích nuôi tôm kết hợp trồng rừng ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 200.000ha, trong đó Cà Mau khoảng 80.000ha.
Các loại hình tôm – lúa phổ biến hiện nay: 1 vụ tôm sú + cua – 1 vụ lúa; 1 vụ tôm sú + 1 vụ tôm càng xanh + lúa. Năng suất tôm nuôi đạt từ 200 – 300kg/ha/vụ. |
Ông Nguyễn Văn Mười – hộ nông dân tham gia mô hình cho biết, tôm nuôi khỏe mạnh, đang tăng trưởng tốt. Áp dụng quy trình VietGAP nên hộ nuôi giảm chi phí đầu tư từ 20 – 30% so với nuôi theo mô hình truyền thống.
Tôm nuôi giảm nhiều loại dịch bệnh phổ biến nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học, được nhà cung ứng sản phẩm xử lý môi trường, nuôi thủy sản hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Sau 5 tháng nuôi, tôm sú đạt trọng lượng 22 – 24 con/kg. Ước tính lợi nhuận sau vụ nuôi hơn 60%.
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSC, bình quân 1ha sản xuất lúa – tôm cho lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/năm. Riêng con tôm mang lại lợi nhuận 40 – 50 triệu đồng. Với mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn, người dân có thể thu được nhiều sản phẩm từ rừng như các loại tôm, cá, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
Nhân rộng mô hình, chú trọng chuỗi liên kết
Hình thành từ cuối năm 2014 từ một tổ hợp tác, đến nay HTX Nông ngư Hòa Đê là một trong những HTX tiêu biểu đã thực hiện rất thành công mô hình tôm – lúa tại xã Hoà Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Khi mới thành lập, HTX chỉ có 16 thành viên với 17ha nuôi tôm, trong đó diện tích để làm lúa trên nền tôm là 9ha. Nhờ áp dụng mô hình tôm – lúa và hợp tác hiệu quả, sản lượng tôm và lúa của HTX ngày càng tăng. Đến năm 2017, HTX đã có 71 thành viên với 81ha đất sản xuất, sản lượng tôm đạt 141 tấn, sản lượng lúa đạt 195 tấn, lợi nhuận gần 6 tỷ đồng.
Là người theo đuổi mô hình tôm lúa nhiều năm nay, ông Mã Thanh Hồng – Giám đốc HTX Hòa Đê khẳng định, mô hình cho con tôm “ôm” cây lúa này rất ổn. Ông Hồng cho biết: “Ngoài nuôi tôm nước lợ trong mùa nắng và cấy lúa thơm hữu cơ trong mùa mưa, chúng tôi nuôi thêm tôm càng xanh nên lợi nhuận cũng tăng hơn. Hiện nay, HTX của tôi đang có đầu ra sản phẩm cá rô phi khá tốt, nên chúng tôi cũng nuôi thêm đối tượng này trong mô hình tôm – lúa, giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tăng giá trị kinh tế”.
Trước những lợi ích về kinh tế, môi trường mà mô hình tôm – lúa, tôm – rừng đem lại, ông Hoàng Văn Hồng cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai nhiều mô hình tôm – lúa, tôm – rừng tại các tỉnh miền Tây, với mục tiêu tiếp tục nhân rộng mô hình đến các hộ dân.
Đặc biệt, trong xây dựng, mô hình các đơn vị triển khai đều chú trọng kết hợp chuỗi liên kết giữa 6 nhà. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ dân trong mùa vụ nuôi tôm, nhất là con tôm nuôi có đầu ra ổn định, giá bán tốt khi tôm đạt chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm”, thuộc đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030″ đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, trong năm đầu tiên 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện điều tra, đánh giá các mối liên kết ngang, liên kết dọc theo các phương thức nuôi tôm nước lợ (tôm – lúa, tôm – rừng).
Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất tôm – lúa, tôm – rừng. Sơ kết quá trình xây dựng thí điểm 1 mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 2 phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm – lúa, tôm – rừng) tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết theo chuỗi giá trị tôm. Mô hình liên kết 6 nhà, gồm: nhà quản lý – nhà khoa học – người nuôi – nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản – cơ sở thu gom – cơ sở chế biến.
Quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các địa phương tổ chức tập huấn cho các cơ sở, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng theo chuỗi. Thực hiện chuyển giao công nghệ, mỗi tỉnh đào tạo tập huấn 6 kỹ thuật viên kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn các cơ sở thực hiện theo VietGAP.
Theo Danviet