Dù không còn ‘chung đường’ nhưng có lẽ, sau 22 năm chung sống, 2 doanh nhân nổi tiếng nhất trong giới cà phê vẫn có những nét tương đồng.
Đặng Lê Trung Nguyên, con trai cả của ông Vũ và bà Thảo, sinh năm 1998 – cùng năm mà cặp đôi này mở quán cà phê đầu tiên tại TP.HCM, tiền thân của Tập đoàn Trung Nguyên ngày nay. Ông Vũ chọn tên “Trung Nguyên” không chỉ vì ý nghĩa địa lý mà còn vì khát vọng lớn lao: “Ai ở Trung Nguyên sẽ là bá chủ thế giới”, ông từng chia sẻ. Những cái tên còn lại – Bình Nguyên, Thảo Nguyên, và Tây Nguyên – lần lượt ra đời khi Tập đoàn Trung Nguyên ngày càng lớn mạnh, mỗi cái tên đều mang trong mình một ý nghĩa riêng, phản ánh sự phát triển không ngừng của tập đoàn và niềm tin của ông Vũ vào tương lai.
Dù cuộc sống hôn nhân có nhiều khác biệt, ông Vũ và bà Thảo đều đồng lòng trong việc dạy dỗ các con theo một chí hướng lớn. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng ông dành cả cuộc đời mình để xây dựng bệ phóng cho các con, giúp họ có chí hướng vượt xa người thường, và trở thành niềm tự hào của họ trong tương lai. Theo ông, một người cha đích thực phải làm được ba điều: tạo bệ phóng, dạy con chí lớn, và trở thành niềm tự hào của các con.
Về phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái với khát vọng vươn tầm vóc toàn cầu. Bà chia sẻ rằng bà muốn truyền đạt lại cho các con tư tưởng lớn, khát vọng lớn và khả năng vượt qua nghịch cảnh, giúp các con chuẩn bị tốt cho cuộc sống đầy thử thách phía trước.
Trong suốt cuộc hôn nhân và cả thời gian sau khi ly hôn, diện mạo của bốn người con này gần như không được công chúng biết đến. Mãi đến khi bà Thảo chia sẻ hình ảnh của các con trên trang cá nhân sau khi ly hôn, công chúng mới có dịp “diện kiến” nhan sắc của họ. Đặc biệt, tại sự kiện công bố Kỷ lục Thế giới cho Cà phê Robusta Việt Nam, Đặng Lê Trung Nguyên và Đặng Lê Bình Nguyên xuất hiện chúc mừng mẹ, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.
Hai con gái của ông Vũ và bà Thảo, Thảo Nguyên và Tây Nguyên, thừa hưởng nhiều nét đẹp của cả cha lẫn mẹ. Trong khi đó, hai cậu con trai Trung Nguyên và Bình Nguyên lại mang dáng dấp chững chạc và nam tính. Hiện tại, hai con gái đang sinh sống và học tập tại Mỹ, trong khi hai con trai đã hoàn thành chương trình học và trở về Việt Nam để thực hành việc kinh doanh.
Từng chia sẻ về việc khởi nghiệp “lần thứ 2” của mình với King Coffee, CEO Diệp Thảo cho biết, King Coffee đi ngược với Trung Nguyên, con đường của Trung Nguyên là từ Việt Nam ra thế giới còn King Coffee đã tiến ra ở thị trường thế giới, thậm chí chinh phục thị trường khó tính nhất là nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, sau đó trở về Việt Nam.
Bà cũng nhận xét về văn hoá cà phê của Việt Nam như sau :” Cà phê Việt Nam mình có sự khác biệt so với cà phê khác trên thế giới. Nó giống như là trà đạo vậy, phải làm từng bước từng bước cẩn thận tỉ mỉ” và khi đã uống cà phê của Việt Nam rồi thì “sẽ nghiền luôn”.
Quan điểm này của bà Thảo cũng có nét tương đồng với ”văn minh cà phê Thiền” mà ông Vũ đang định hướng cho Trung Nguyên. Đây là ý tưởng được ông ”vua cà phê” lấy cảm hứng từ sự kết tinh giữa hai văn minh Roman, Ottoman kết hợp với những tinh hoa được cô lọc từ tinh thần trà đạo Nhật Bản, tinh hoa nghệ thuật trà Việt, với mong muốn đưa những giá trị, ý nghĩa trong đời sống của nền văn minh phương Đông đến gần hơn với cộng đồng thông qua nghệ thuật thưởng lãm cà phê. Cả hai người đều đề cao chất lượng hương vị và cách thưởng thức đặc biệt cho cà phê của Việt Nam để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế những sản phẩm chất lượng nhất.
Sau khi ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục phát triển sự nghiệp và trở thành một trong những nữ doanh nhân thành công nhất trong ngành cà phê Việt Nam. Bà vẫn kiên định với mục tiêu đưa thương hiệu của mình vươn ra toàn cầu, ngay cả ở những thị trường khó tính nhất. Trong khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định vị thế “vua cà phê” của mình trên cả thị trường trong và ngoài nước với những bước tiến vượt bậc của Tập đoàn Trung Nguyên.