‘Ông lớn’ bán dẫn đổ đến Việt Nam, thách thức mới từ dòng vốn tỷ USD

(VNF) – Bán dẫn đang “làm nóng” dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc các “ông lớn” nước ngoài liên tục rót vốn khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, song những thách thức cũng không nhỏ.

‘ông lớn’ nước ngoài đổ vào Việt Nam đầu tư bán dẫn

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn. Nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam đầu tư những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD vào xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp.

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM cho hay, hiện có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt tên tuổi lớn như: Intel, Amkor, Hana Micron; Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo; Lam Research, Coherent…

Trong đó, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron…

Mới đây, Tập đoàn FPT và Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, bao gồm việc đầu tư 200 triệu USD xây Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Việt Nam.

Đầu tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam.

Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD. Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.

Cũng trong tháng 7, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) với tổng vốn 127 triệu USD.

Vào tháng 6, Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.

Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) hồi tháng 4 cũng công bố thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… tại Bình Dương.

Tháng 10/2023, Amkor Technology – tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona – đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.

Trước đó, ngày 16/9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang).

Từ tháng 6/2023, Foxconn cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 250 triệu USD cho hai nhà máy sản xuất linh kiện xe điện ở Quảng Ninh. Ngoài ra, có thông tin công ty con của Foxconn – ShunSin Technology, lên kế hoạch đầu tư 20 triệu USD để thành lập công ty bán dẫn mới có tên ShunSin Technology Việt Nam.

Cuối tháng 5/2023, gã khổng lồ sản xuất chip Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor, đã công bố đưa chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh vào hoạt động.

Cũng cuối tháng 5/2023, Công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Trong thời gian này, Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh.

Ngoài ra, nhiều cái tên quen thuộc khác như Samsung, Qualcomm, Infineon cũng đã có dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới tỷ USD tại Việt Nam.

Thời cơ và thách thức

Việc các “ông lớn” liên tục rót vốn xây dựng mới, mở rộng nhà máy một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn.

Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến phát triển năng lực lao động để tăng sự cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn.

Tuy sở hữu nhiều lợi thế nhưng Việt Nam cũng có những thách thức phải đối mặt để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh thu hút ngành này.

Việt Nam đang thiếu kỹ sư trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Theo giới chuyên gia, để chớp thời cơ trở thành cứ điểm quan trọng của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này.

Việt Nam cũng cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho ngành bán dẫn. Ngoài huy động nhân lực tại chỗ, Việt Nam cần huy động trí tuệ, nguồn lực người Việt toàn cầu cũng như huy động nguồn lực từ các nước, trong đó có Hàn Quốc, kể cả tài nguyên từ những nhà khoa học đã nghỉ hưu.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, việc đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn cũng kéo theo nhu cầu về nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả.

Bán dẫn là công nghệ lõi, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu… Ngành bán dẫn đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Hiệp hội Công Nghiệp Bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.

Các chuyên gia dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Theo Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính