6 tháng số doanh nghiệp lên sàn của Alibaba tăng mức 10-15%. Điều này cho thấy phương thức truyền thống đang ngày càng khép lại, “mở đường” cho xu hướng online.
Trái ngược với “cơn bão” sụt giảm tổng cầu thế giới, số doanh nghiệp đăng ký lên sàn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mức 10-15% cho thấy lợi thế cạnh tranh của gian hàng online đang ngày một thay thế phương thức truyền thống.
Chia sẻ với DĐDN, bà Trương Phương Thoa, Giám đốc khu vực phía Nam Trung tâm thương mại điện tử OSB Group – đại lý uỷ quyền của Alibaba tại Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký mới lên sàn của Alibaba vẫn tăng trưởng mức 10-15% bất chấp những khó khăn về sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam. Đây được xem như giải pháp “cứu nguy” cho doanh nghiệp nhờ vào lợi thế chi phí cạnh tranh và phi không gian của mình.
– Trong xu hướng sụt giảm của tiêu dùng toàn cầu, các sàn thương mại điện tử có sụt giảm về đơn hàng và doanh nghiệp? Bà có thể dự báo xu hướng đơn hàng tháng cuối năm thế nào, thưa bà?
Trong thời điểm khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều sụt giảm thị trường nhưng lại không ảnh hưởng mức độ doanh nghiệp đăng ký lên sàn.
6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp lên sàn của Alibaba tăng trưởng mức 10-15%. Điều này cho thấy phương thức truyền thống đang ngày càng khép lại, “mở đường” cho xu hướng online. Ngày càng nhiều doanh nghiệp truy cập online để mua hàng. Các cửa hàng online này khác biệt nữa là được mở 24/24 giúp doanh nghiệp tận dụng thời gian tìm hiểu hàng hoá, giao dịch, trao đổi thông tin bất cứ lúc nào. Alibaba cũng có công cụ chat trực tiếp giúp doanh nghiệp được trả lời trực tiếp mà không có giới hạn thời gian, không gian, múi giờ với người mua toàn cầu. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đăng ký kênh online để bán hàng.
Tuy nhiên, về đơn hàng, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ gặp khó khăn về đơn hàng ở tất cả các sàn, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính, chi phí vận chuyển cũng như nguyên liệu đầu vào chi phí cao do đó lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên lượng khách hàng doanh nghiệp đặt cọc vẫn nhiều. Vấn đề để hoàn thiện đơn hàng của doanh nghiệp cần kéo dài thời gian hơn so với trước đây.
– Vậy yêu cầu tiêu chuẩn các doanh nghiệp phải đáp ứng khi muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là gì, thưa bà?
Bên cạnh các yêu cầu về thủ tục như phải có pháp nhân, có sản phẩm, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng “buyer” của từng thị trường. Ví dụ như thị trường Nhật Bản, sản phẩm cần những chứng chỉ nào thì doanh nghiệp mua và bán phải đáp ứng, Alibaba sẽ kết nối giữa người mua người bán có thể gặp gỡ, bên cạnh đó có chuỗi liên kết hỗ trợ doanh nghiệp từ logistics, vận chuyển, xuất nhập khẩu…
Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp nhiều doanh nghiệp hơn nữa tiếp cận và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu trong 3 năm tới sẽ có hơn 5.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia sàn Alibaba. Tôi nghĩ các sàn thương mại điện tử khác cũng vậy.
– Ngành hàng hay gian hàng của những ngành nào sẽ là “hot trend” của các kênh thương mại điện tử thời gian tới, thưa bà?
Các doanh nghiệp có các gian hàng sản phẩm cũng là thế mạnh của Việt Nam như thực phẩm, đồ uống, thuỷ hải sản, đồ gỗ nội thất… đang chiếm ưu thế trên sàn Alibaba. Đây là những sản phẩm của những ngành hàng chúng ta có thế mạnh, có thương hiệu của Việt Nam, dành được thiện cảm với thị trường quốc tế. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp khi tham gia vào sàn đã dành được những thành công, từ những cơ sở doanh nghiệp nhỏ đã mở rộng quy mô nhà xưởng, nhà máy. Hiện các sàn thương mại điện tử cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các gói thành viên, các gói quảng cáo giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tôi cho rằng, xu hướng các sản phẩm của những nhóm như nông sản, thực phẩm, đồ uống, thuỷ hải sản đồ uống nội ngoại thất và may mặc sẽ tiếp tục là những ngành hàng chủ lực quan trọng của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra các ngành hàng như cơ khí máy móc, thiết bị, làm đẹp chăm sóc sức khoẻ cũng là nhóm ngành hàng triển vọng được các “buyer” quan tâm.
– Vậy bà có kiến nghị chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước thế nào để tạo thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử cũng như doanh nghiệp kinh doanh trên sàn?
Alibaba đã triển khai nhiều dự án với các địa phương, Sở ban ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí tham gia sàn. Theo đó, doanh nghiệp cần chi phí để mở tài khoản trong bước đầu lên sàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đắn đo chi phí liệu có hiệu quả không? Nhưng chúng ta phải đầu tư trước mới có lợi nhuận sau. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn các sở ban ngành địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp chi phí lên sàn khoảng 50-60% trong năm đầu tiên, tạo “bước đệm” cho doanh nghiệp đưa được sản phẩm lên sàn. Khi có lợi nhuận năm đầu doanh nghiệp sẽ tự duy trì.
Bởi trong xu thế chung, kể cả những starup ban đầu cũng đã xác định phải tham gia sàn để tăng sức cạnh tranh, tạo cơ hội xuất khẩu ra thế giới.
– Trân trọng cảm ơn bà!