Phát huy giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An

Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, góp phần tạo ra những thương hiệu mạnh để Ninh Bình phát triển du lịch bền vững.

Phát huy các giá trị của di sản “kép”

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014 (đây là di sản “kép” đầu tiên ở Ðông Nam Á) đã tạo cơ hội và động lực để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới.

Danh hiệu di sản thế giới đã tác động tích cực đến quá trình phát triển của tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững với mô hình kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” mà trọng tâm là du lịch và dịch vụ dựa trên việc bảo vệ di sản.

Di sản Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch cả trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt du khách (năm 2014), Tràng An đã đón hơn 4,6 triệu lượt (năm 2023), đem lại doanh thu 4.500 tỉ đồng. Và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 30,86% so với cùng kỳ và bằng 102,4% so với kế hoạch năm 2024. Cơ cấu kinh tế của Ninh Bình nhờ đó đã chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ lên 47,1%.

Số lao động trực tiếp tại Tràng An hiện có hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Thu nhập của cộng đồng cư dân địa phương từ hoạt động du lịch nâng cao rõ rệt.

Ông Bùi Việt Thắng – Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An (thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình) – cho biết, tỉnh Ninh Bình xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội. Những năm qua, tỉnhđã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An.

Mô hình hợp tác công – tư

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, Ninh Bình đã lựa chọn mô hình quản lý bảo tồn nguyên vẹn, bền vững các giá trị của di sản và phát huy các giá trị đó vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình cũng góp phần tích cực trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, như đưa nghệ thuật hát xẩm, múa rối nước vào phục vụ du khách tại các điểm, tuyến tham quan; tăng cường quảng bá ẩm thực; đẩy mạnh hình thức du lịch làng nghề nhằm tạo lợi thế để thu hút du khách.

“Trong quản lý và phát triển bền vững di sản thế giới Tràng An, mô hình hợp tác công – tư không còn là khái niệm xa lạ. Quan trọng nhất trong mô hình này là quy chế phối hợp giữa các bên và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Các đơn vị khai thác phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách pháp luật; Nhà nước phải thường xuyên xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định đồng thời với thanh tra, kiểm tra, định hướng và kịp thời uốn nắn để doanh nghiệp khai thác sản phẩm một cách bền vững nhất” – ông Mạnh khẳng định.

Cũng theo ông Mạnh, trong mô hình hợp tác công – tư về bảo tồn, phát huy giá trị di sản có bốn đối tác trụ cột đó là, đối tác công – hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về di sản; đối tác là doanh nghiệp với chiến lược phát triển bền vững; đối tác là cộng đồng cư dân địa phương và đối tác là các nhà khoa học có chức năng tư vấn, kết nối liên kết giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân.

Mô hình hợp tác công – tư trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Ninh Bình đang được thực hiện bằng hình thức “du lịch có trách nhiệm” dựa trên nền tảng các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, với phương châm: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả…

Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo” mà di sản Tràng An là trung tâm.

Theo Lao Động