Việc phát huy hết tiềm năng và giá trị của thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. 14h ngày 21.5, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.
Thẻ tín dụng nội địa tăng mạnh về số lượng và giá trị giao dịch
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện là những chủ trương, chính sách lớn, được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt quan tâm.
Tính đến hết quý I/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN – cho biết, hiện nay có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.
Theo TS Đỗ Thị Hà Thương – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện, để giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) – nhấn mạnh, thẻ tín dụng nội địa là một sản phẩm tín dụng của người Việt Nam, dành cho đại đa số người dân. Thứ nhất, chi phí sử dụng thẻ tín dụng nội địa rất thấp. Bên cạnh đó, tính năng không kém gì so với các thẻ tín dụng khác trên thị trường. Ví dụ như người dùng có thể được miễn lãi lên đến 45 ngày, thậm chí 60 ngày, tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Rút tiền mặt tại toàn bộ mạng lưới ATM của các ngân hàng tại Việt Nam. Thanh toán không chỉ tại quầy mà có thể thanh toán trực tuyến, chấp nhận thanh toán trên 500.000 điểm thanh toán trên toàn quốc.
“Sắp tới, chúng tôi cũng đang có một kế hoạch hợp tác với một trong những tổ chức thẻ quốc tế lớn để cùng hợp tác, cho phép người dân khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể chi tiêu, mua sắm không những ở Việt Nam mà còn trên toàn bộ mạng lưới toàn cầu” – ông Hùng nói.
Phát triển sử dụng thẻ tín dụng nội địa cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Tấn Pháp – Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ tại VietinBank – chỉ ra một số nguyên nhân chính là còn hạn chế truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại trong thu hút khách hàng. Khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức – Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam – cho rằng, việc nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp phát triển sử dụng thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam cần phải được các ngân hàng thương mại (NHTM) xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Cần được ưu tiên trong liên hệ với những cố gắng gia tăng dư nợ tiêu dùng nói riêng và đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng dư nợ nói chung của năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức nêu rõ: “Điều quan trọng và cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi NHTM để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng sử dụng thẻ do các NHTM Việt Nam phát hành ra mới có được những tiện ích như sử dụng thẻ tín dụng quốc tế. Đồng thời sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng về tổ chức, giảm sát và hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa mang tính quyết định”.
Nhằm mục tiêu đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện, ngày 21.5 tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tham dự và điều hành hội thảo. Cùng dự có đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, chuyên gia, hiệp hội và lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.
Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 14h trên Lao Động điện tử (www.laodong.vn) và Fanpage của Báo Lao Động. |