Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã tích cực hành động, làm việc với UBND tỉnh để tìm phương án tháo gỡ, tiếp sức cho cộng đồng.
Sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối mặt với muôn vàn khó khăn để tái thiết hoạt động sản xuất. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp đối mặt với áp lực đến từ thiếu đơn hàng sản xuất, đơn giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản “đóng băng”,… chưa tìm được ngày quay trở lại.
Nhận thấy thực trạng bất ổn trên địa bàn, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam đã chủ động rà soát, lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để tìm phương án tháo gỡ. Từ các kiến nghị trực tiếp, đơn kiến nghị của doanh nghiệp tại trụ sở, Hiệp hội đã liên tục có báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam về những áp lực mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp về du lịch liên tục gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường mới, xúc tiến thị trường truyền thống để khôi phục các hoạt động. Ngoài ra, các quy định ngặt nghèo về đón khách cũng như thị trường đóng cửa đã khiến hàng loạt đơn vị lao đao.
Với nhóm ngành xây dựng, Hiệp hội nhận thấy các doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề đơn giá nguyên vật liệu tăng cao, đồng thời khan hiếm vật liệu xây dựng. Từ đây, nhiều dự án chậm tiến độ, nhà thầu lao đao vì vi phạm hợp đồng. Cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp phải vào cảnh chịu kiểm điểm, khiển trách vì không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Với Quảng Nam, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản có lẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau những tác động tiêu cực từ đại dịch, các dự án lâm cảnh “đứng bánh” khi các nhà đầu tư đã hết vốn liếng đề thực hiện dự án.
Kéo theo đó, hàng loạt các vấn đề liên quan từ giải phóng mặt bằng, giao đất, ký quỹ, tiến độ,… ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư của chủ đầu tư. Từ đây, hàng loạt doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản lâm cảnh lao đao khi dự án không thể triển khai, kinh phí ngày càng bị rút hẹp vì dự án “dẫm chân tại chỗ”.
Tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhận thấy có hàng loạt nhóm vấn đề cần được tháo gỡ. Trong đó, các nhóm vấn đề về giải phóng mặt bằng, giao đất, ký quỹ, phân kỳ tiến độ, phòng cháy chữa cháy,… cần được chú trọng tháo gỡ. Đây được xem là các giải pháp cụ thể, quyết liệt để đưa doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn.
Vì vậy, liên tục từ cuối năm 2023 đến nay, Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất được làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để thông tin về các vướng mắc, áp lực mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đồng thời, Hiệp hội cũng liên tục làm việc với Thường trực tỉnh ủy Quảng Nam, kiến nghị đến Hội đồng nhân dân tỉnh về những vấn đề cấp bách. Từ đây, các nhóm vấn đề với các doanh nghiệp du lịch, xây dựng từng bước được tháo gỡ.
Với nhóm doanh nghiệp bất động sản, từ 15 nhóm vấn đề vướng mắc, đến nay chỉ còn 6 nhóm vấn đề đang được xem xét tháo gỡ. Đây được xem như một tín hiệu đáng mừng, tích cực để các doanh nghiệp yên tâm trong quá trình đầu tư.
Ông Trần Quốc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay phương châm hoạt động của Hiệp hội là hết mình vì sự “sống còn” của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Bảo, đã có lúc, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã bước đến bờ vực sinh tử vì các vướng mắc chưa tìm được hướng tháo gỡ.
Vị này cũng thông tin thêm, phía Hiệp hội đã có hàng chục công văn gửi đi khắp nơi, từ văn phòng Chính phủ đến các bộ, ngành, VCCI cùng với cấp địa phương,… để thông báo về tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ, xem xét triển khai để hỗ trợ cộng đồng.
Sau những nỗ lực của Hiệp hội, các bộ, ngành đã có câu trả lờ cụ thể về các vấn đề liên qua. Qua đó gợi mở thêm hướng tháo gỡ, phương án hỗ trợ doanh nghiệp cho địa phương.
“Trước những áp lực mà doanh nghiệp gặp phải, các cấp, ngành, địa phương đã có động thái hỗ trợ cụ thể, các hướng dẫn sát sao đã từng bước gợi mở hướng tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt, có nhiều đơn vị rất quan tâm đến các kiến nghị của Hiệp hội, nhận thấy phương án đề xuất là có cơ sở nên đưa ra giải pháp, phương án hỗ trợ rất nhanh”, ông Trần Quốc Bảo cho hay.
Cũng thông tin từ vị này, trong thời gian gần đây tỉnh Quảng Nam đang rất chú trọng vào các buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thể hiện mối quan tâm đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, xem trọng việc tháo gỡ khó khăn, xác định tái thiết hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng của phát triển nền kinh tế.
Tại các buổi làm việc gần nhất, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có các chỉ đạo cụ thể, gần sát với các vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt. Trong đó, có nhiều chỉ đạo “tiếp sức” cho các nhà đầu tư như giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp sổ,…
Từ vai trò “cầu nối” của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam và sự đồng hành của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dường như đã được tiếp sức sau những tháng ngày đối mặt với khó khăn. Qua “bệ đỡ” là Hiệp hội doanh nghiệp, những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã an tâm hơn trong quá trình hoạt động tại tỉnh Quảng Nam, từng bước sốc lại tinh thần, tự tin phát triển.
Ông Trần Quốc Bảo khẳng định, thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm thêm giải pháp hỗ trợ cộng động doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo thêm tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông tin giữa các hội viên và cộng đồng doanh nghiệp, tập hợp những phản ánh, những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, Hiệp hội tiếp tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động, chú trọng hỗ trợ hội viên; động viên các hội viên, doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Song song là tăng cường liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị, tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Hiệp hội doanh nghiệp cũng sẽ phát huy vai trò của mình trong việc tham gia kiến nghị các giải pháp cải thiện PCI cho tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tin tưởng giao trách nhiệm thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI cho Hiệp hội.
“Phải xác định rõ rằng, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là một người lính thời bình, phát huy vai trò là đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, các đối tác đầu tư để cùng phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Nam. Khi cộng đồng doanh nghiệp có sức khỏe, kinh tế Quảng Nam chắc chắn sẽ khỏe”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.