Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch, bền vững và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới….
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024.
Chiến lược này đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.
Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Đồng thời, Chiến lược năng lượng hydogen đã đưa ra một loạt cơ chế, chính sách mới. Bao gồm: đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các danh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của nền kinh tế hydrogen và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sạch đến toàn xã hội.
Để triển khai có hiệu quả Chiến lược năng lượng hydrogen, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Chiến lược. Đồng thời khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược.
Mặt khác, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế chính sách liên quan…Tăng cường huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư về năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, bao gồm: rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen…
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hydrogen được xác định là nhiên liệu sạch trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trên thế giới. Đây được coi là giải pháp để giúp thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, hydrogen cũng được coi là biện pháp để giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính.
Trong nội dung về kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị về chuyển đổi đối tác chính trị, chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hydrogen cũng được coi là ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và đối tác, nhóm đối tác trong và ngoài G7 và các tổ chức quốc tế.
Do đó, việc ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển hydrogen được xác định là hết sức kịp thời. Các nội dung của chiến lược, các bước đi từ nay đến 2050 hết sức phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Để triển khai nhiệm vụ này, ông Tấn chia sẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự kiến triển khai những nội dung liên quan đến năng lượng công bằng và thực hiện kế hoạch huy động nguồn lực triển khai các tuyên bố chính trị năng lượng công bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, các bộ ngành, doanh nghiệp đề xuất các dự án ưu tiên đã được xác định trong số gần 300 dự án xác định huy động nguồn lực để sử dụng ngay nguồn tài trợ của đối tác quốc tế về năng lượng công bằng.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường mong nhận được danh mục từ Bộ Công Thương để tập hợp, báo cáo Uỷ ban quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Dự kiến sẽ báo cáo để Ban chỉ đạo quốc gia COP26 có thể họp trong tháng 3/2024 và mong muốn phần hydrogen có dự án đầu tư hoặc hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng ngay nguồn vốn từ năng lượng công bằng”, ông Tấn nói.
Ông Trần Trung Đức, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tình và cho biết trong Chiến lược, Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao 2 nhiệm vụ.
Thứ nhất: Chủ trì phối hợp với các cơ quan, bộ ngành để xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy năng lượng hyrogen. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thúc đẩy cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.
Thứ hai: Nghiên cứu đề xuất ban hành các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi để sản xuất hydrogen. Đây là nhiệm vụ nặng nề cũng là vướng mắc lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Hơn nữa theo đề xuất xây dựng Luật Điện lực sửa đổi sẽ bổ sung thêm 1 điều khoản trong Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thống nhất trong quá trình đề xuất sửa đổi Luật Điện lực.