Phim chiến tranh từ sau ngày thống nhất là cầu nối lịch sử đến thế hệ trẻ

TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện để những giá trị điện ảnh mang chiều sâu văn hóa – lịch sử này được lan tỏa rộng rãi.

Một cảnh quay phim “Đào, Phở và Piano”, diễn viên Cao Thùy Linh vào vai Thục Hương (áo dài) – Một bộ phim điện ảnh về lịch sử chiến tranh Việt Nam đã từng tạo cơn sốt vào năm 2023. Ảnh do Cục Điện ảnh cung cấp

Ngày 2.7, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3, TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo với chủ đề “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều tham luận xoay quanh giá trị thực sự ở một bộ phim chiến tranh; Vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh; nói về những chiến sĩ, những người Việt Nam bình thường đã vượt qua thử thách khốc liệt của cuộc chiến tranh ra sao; hay những dòng phim chiến tranh cách mạng ở Việt Nam sau 1975: Những cuộc đối thoại mới với quá khứ…

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chiến tranh – với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình – luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca, mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về ký ức và sự hòa giải.

Những tác phẩm như “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc” hay “Truyền thuyết về Quán Tiên” không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật, mà còn là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ người Việt.

“Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước” là một hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Ba, năm 2025, nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2025) và 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Hội thảo là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất – một hành trình đầy tâm huyết, sáng tạo và cống hiến. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các thế hệ nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng cùng trao đổi, đánh giá và định hướng cho tương lai của dòng phim này trong bối cảnh mới – khi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng”.

Đặc biệt, phim chiến tranh sau thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là công cụ giáo dục lòng yêu nước và lịch sử hào hùng dân tộc. Những bộ phim này giúp người trẻ hiểu được giá trị của hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

“Thành phố Đà Nẵng luôn trân trọng những giá trị nghệ thuật đích thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động điện ảnh, đặc biệt là những chương trình mang tính chiều sâu như hôm nay, được tổ chức thường xuyên, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử đến với công chúng trong nước và quốc tế”, bà Thi nhấn mạnh.

Theo Báo Lao Động

Bài viết liên quan