Đường Lê Duẩn bắt đầu từ đèn xanh đèn đỏ cầu Giả Viên ra phía Bắc đến cửa Chánh Tây người Huế đặt tên là “phố nôi”. Xóm đan nôi khoảng chục hộ; trong số đó là họ hàng với nhau, gọi cửa hiệu theo tên tục như hiệu nôi ông Thành, ông Tuấn, nôi mệ Hoa, chị Thương…
Nghề “gia truyền”
Xóm đan nôi mây tre ở đây không nhiều, khoảng chục hộ theo nghề truyền thống. Không ai nhớ chính xác nghề đan nôi mây tre ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết đến bây giờ, họ đều là đời thứ 3, thứ 4 theo nghề gia truyền. Tới phố “nôi” tôi được gặp bà Trần Thị Hoa, cái tên nổi bật nhất ở đây. Đã hơn 70 tuổi bà vẫn ngồi đan nôi mà không cần đeo kính lão. Tay liên tục rút tao mây nhanh nhẹn, bà Hoa cho biết: Dọc theo đường Lê Duẩn ở Huế có đến chục gia đình theo nghề làm nôi mây tre từ những năm 40 đến nay.
Bà Hoa tỏ ra vui vẻ khi có ai đến hỏi chuyện nghề nôi mây tre: “Ngày đầu mới học thì theo ba mạ phụ việc xếp mây và làm công việc lặt vặt. Dần dần được dạy cho cách đan, cách rút từng tao để làm sao cho chiếc nôi cân đối, đẹp mắt. Rồi tay nghề theo năm tháng trở nên lão luyện, tinh xảo. Người giỏi làm mỗi chiếc nôi chưa kể công đoạn chẻ mây, tre thì mất đến hai, ba ngày mới hoàn thành”.
Hồi trước 1975, sản phẩm được đem ra chợ Đông Ba “ký gửi” theo giao kèo người bán ăn 10%; hoặc bày bán hai bên đường Nguyễn Hoàng (tên cũ của đường Lê Duẩn). Mỗi chiếc nôi tùy theo cỡ vừa hay lớn, có giá từ 200.000 đến 300.000 nghìn đồng. Nôi mây tre thường được đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Tây nguyên ưa dùng – bà Hoa cho biết thêm.
Ngày nay, nghề đan nôi mây tre ở Huế vẫn được duy trì một cách âm thầm mà bền bỉ từ tình yêu nghề của cha ông. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, họ biến hóa chiếc nôi từ kiểu treo bốn tao dây đu đưa kẽo kẹt bằng cái giá gỗ dễ dàng lắp ghép, dựng ngay trên nền gạch rất gọn gàng. Cũng tùy nhu cầu người mua họ còn thiết kế thêm bộ phận đong đưa nôi sử dụng nguồn điện dân dụng.
Sản phẩm mang nét riêng
Nói về nghề đan nôi xứ Huế không thể không nhắc đến nghề “đệm bàng” làng Phò Trạch (xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên- Huế). Hai nghề truyền thống này gắn liền công việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhau một cách cần thiết. Ngày trước lúc đi mua nôi cho trẻ, người ta không quên mua thêm chục chiếc “chẹ” (tiếng Huế gọi chiếc chiếu nhỏ), sản phẩm của làng Phò Trạch. Chẹ là tên gọi một loại sản phẩm đa năng tương tự như “chiếu” nhưng bé hơn. Chẹ lớn gọi là đệm, rộng bằng cái giường cá nhân 1m x 1,8m. Chẹ nhỏ hơn, dành trải trong nôi trẻ nằm, diện tích bằng 1/3 chiếc đệm trải giường. Thiên phú cho dân làng Phò Trạch một loại cây “cỏ bàng” hoang hóa sinh trưởng trên vùng đồng sâu ngập nước lợ (nửa ngọt nửa mặn) quanh năm. Từ tháng 2 âm lịch trở đi, dân làng chèo ghe xuồng ra đó, dùng liềm cắt từ 1,5 đến 2m ngang gốc. Chở về nhà phơi khô 5-7 ngày, sau đó bỏ vào cối giã thật mềm, tước ra thành sợi, ép thật mỏng để đan thành sản phẩm (chẹ, túi xách, giỏ).
Theo Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục”, ngày xưa khi đứa trẻ đến tuổi cho vào nôi ngủ gia đình phải coi ngày lành tháng tốt, chọn giờ nước lên (nước sông) để trẻ được ăn no ngủ kĩ. Người bồng đứa trẻ đặt vào nôi cũng phải chọn người ăn, ngủ tốt gọi là lấy cái “nết”. Đôi khi giàu có nhưng gia đình không mua cái nôi mới. Họ chọn nhà nào có đứa trẻ khỏe mạnh chóng lớn để “xin” cái nôi cũ. Hoặc dùng lại cái nôi cũ của anh, chị đứa trẻ. Hồi tôi làm việc ở vùng biển Thừa Thiên – Huế, dân làng biển nói họ rất quý cái roi làm bằng đuôi con cá đuối phơi khô để cột vào nôi; họ tin cái roi này đem lại sự “ăn no, ngủ kĩ ” cho trẻ.
Đến nay các nghệ nhân đan nôi Huế không bỏ nghề. Cũng không bám víu vào mẫu mã xưa cũ. Họ biết làm theo cách của mình, tạo ra nét đặc trưng duyên dáng riêng của chiếc nôi miền sông Hương – núi Ngự. Vì thế mà “phố nôi” Huế cứ có người mua tìm đến…
Vũ Hào