Ngày 8/12, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo khảo sát nhận thức, năng lực phát hiện và phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Hiện nay, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định là một trong những hoạt động tội phạm tạo ra nhiều lợi nhuận nhất trên toàn cầu, bên cạnh buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người. Tuy nhiên cho đến nay, việc điều tra và tìm hiểu các dòng chảy tài chính liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã vẫn còn hạn chế.
Ngày 8/12, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo khảo sát nhận thức, năng lực phát hiện và phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, bảo vệ môi trường, trong dó có bảo vệ động vật hoang dã là hoạt động mang tính cấp thiết và có ý nghĩ đặc biệt quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là vấn đề rất phức tạp và đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Trong các quốc gia châu Á, Việt Nam được nhận định là một trong những điểm đến, điểm trung chuyển chính trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tội phạm về động vật hoang dã được đánh giá là loại hình nghiêm trọng, có tổ chức và thường gắn liền với các loại tội phạm khác, trong đó liên quan tới tội phạm rửa tiền. Do đó, điều tra tài chính là phương pháp quan trọng để ngăn chặn tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Nhằm nâng cao hiểu biết và năng lực của các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính trong phòng chống rửa tiền về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, Học viện Ngân hàng phối hợp với tổ chức WCS thực hiện hoạt động khảo sát về nhận thức và năng lực của các đơn vị tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại và các nhà cung cấp tài chính về rủi ro rửa tiền liên quan đến các hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt nam. Khảo sát được tiến hành từ tháng 8 – 12/2022. Dự án hướng đến mục tiêu đánh giá nhận thức, năng lực và thực trạng triển khai của các đơn vị trong việc nhận biết về phòng chống rửa tiền đối với buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Đồng thời, khảo sát nhu cầu của các đối tượng về các chương trình đào tạo về phòng chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật về động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo báo cáo khảo sát, tại Việt Nam, số vụ vi phạm về động vật hoang dã có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây. Theo cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), năm 2021 đã ghi nhận tổng số 3.703 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nhiều hơn đáng kể so với năm 2020 là 2.909 vụ, số liệu này trong quý đầu tiên năm 2022 là 808 vụ. Tỷ lệ xử lý thành công về mặt hành chính và hình sự đối với các vụ vi phạm trong năm 2021 có gia tăng so với năm 2020, và trong 3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này tương đối khả quan với 69% số vụ vi phạm được xử lý.
Hiện nay, việc buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã diễn ra với cả hai hình thức là buôn bán tiêu thụ trong nước và buôn bán xuyên quốc gia. Các điểm nóng tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk…
Với buôn bán xuyên quốc gia, Việt Nam vừa là quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã nhập lậu từ các quốc gia khác, vừa là quốc gia trung chuyển để bán sang các nước xung quanh (chủ yếu là Trung Quốc). Với hoạt động trung chuyển xuyên quốc gia, động vật hoang dã chủ yếu được vận chuyển qua ba đường chính là đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Đặc điểm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là thông qua nhiều khâu, với nhiều đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả vận chuyển xuyên quốc gia. Do đó, việc theo dõi dòng tiền của các đối tượng tham gia vào đường dây này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị như hải quan, công an, ngân hàng, các công ty tài chính… Về hình thức chuyển tiền, các đối tượng sử dụng cả hình thức phi chính thức và chính thức như: chuyền tiền qua ngân hàng, qua các trung tâm chuyển tiền, chuyển qua di động…
Theo kết quả nghiên cứu, có ít nhất 73,4% cán bộ ngân hàng nhận định buôn bán động vật hoang dã trái phép là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao; 60% các cán bộ ngân hàng được khảo sát đều có hiểu biết cơ bản về các biện pháp và hoạt động phòng chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đang được triển khai. Các cán bộ ngân hàng đều nhận định có 3 hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao là hoạt động chuyển tiền/thanh toán, thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Với tính chất quan trọng liên quan đến các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về rủi ro về hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, nghiên cứu cũng đã đưa ra 5 đề xuất, kiến nghị. Trong đó, nhấn mạnh việc nhận diện về rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cần tăng cường cảnh giác đối với các giao dịch có khả năng tiềm ẩn rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã; Xây dựng khung pháp lý và áp dụng các quy định liên quan; Cơ chế tuân thủ nội bộ và cơ chế quản lý rủi ro rửa tiền tại các ngân hàng liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; Tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra; Xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ các kết quả nổi bật của dự thảo báo cáo nghiên cứu nhận thức, năng lực của cơ quan phòng chống rửa tiền, các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính đối với các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Hoạt động nghiên cứu do WCS phối hợp cùng Học viện Ngân hàng thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8 – 12/2022. Đồng thời, các đại biểu có cơ hội được nghe và thảo luận về kinh nghiệm phát hiện, ngăn chặn và triệt phá tội phạm tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã thông qua chia sẻ của đại diện lực lượng đặc nhiệm liên ngành về phòng, chống rửa tiền Nam Phi (SAMLIT) và Quỹ Hoàng gia Anh về bảo vệ động vật hoang dã.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia tổ chức WCS Việt Nam cho biết, đây là một trong những hội thảo đầu tiên của WCS nhằm thúc đẩy hợp tác công – tư giúp cho các ngân hàng thương mại đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ báo cáo thông tin theo luật định, nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước về phòng chống rửa tiền, đồng thời cũng giúp họ tăng cường sự hiểu biết về những nhóm đối tượng khách hàng có nguy cơ sử dụng hệ thống tài chính ngân hàng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Thoibaonganhang