Quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn Basel III của ngân hàng Việt

Việc gia tăng thanh khoản đi kèm với nhu cầu giảm có thể dẫn đến mức độ dư thừa cao hơn, làm cho ngân hàng bất ổn hơn.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tính thanh khoản đề cập đến khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn khi đến hạn. Tuy nhiên, dư thừa thanh khoản là trạng thái trong đó ngân hàng duy trì tiền mặt và dự trữ thanh khoản khác nhiều hơn yêu cầu theo quy định. Các ngân hàng có thể nắm giữ thanh khoản dư thừa một cách tự nguyện vì những động cơ phòng ngừa hoặc không tự nguyện vì những lý do khác. Việc tích luỹ thanh khoản được xem như một biện pháp bảo vệ chống lại các cú sốc khi khách hàng rút tiền ồ ạt, đặc biệt là khi thị trường liên ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.

Quoc Tuan
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 (GFC), các nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự thất bại ngân hàng hay các yếu tố gây ra bất kỳ mối đe doạ nào đối với sự ổn định trong tương lai của ngân hàng, gồm rủi ro thanh khoản, đều cần gia tăng quản trị. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Các ngân hàng cũng tích trữ thanh khoản như một bộ đệm để đề phòng chi phí và dự trữ, rủi ro thanh khoản và tính dễ bị tổn thương của rủi ro thị trường. Các ngân hàng đánh đổi khả năng sinh lời của họ với các tài sản lưu động sinh lời thấp để phòng chống rủi ro cho mình.

Bên cạnh đó, sự can thiệp của Chính phủ, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào nhiều cũng góp phần làm phát sinh dòng vốn thanh khoản lớn mà các ngân hàng chưa thể phân bổ hiệu quả do năng lực hạn chế, nhu cầu tín dụng thấp hơn do nền kinh tế đang trì trệ.

Các quy định áp dụng đối với các ngân hàng quốc tế luôn đảm bảo các ngân hàng này có thể tiếp tục quản lý rủi ro và hoạt động bình thường trở lại mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài như: gói cứu trợ của chính phủ, liên kết hệ thống ngân hàng đa quốc gia, sáp nhập hoặc mua lại bắt buộc, sau GFC.

Điều này có thể hiệu quả bằng cách duy trì bộ đệm thanh khoản bảo vệ ngân hàng chống lại những cú sốc thanh khoản nhỏ. Tuy nhiên, khi thanh khoản dư thừa, sẽ gây ra nhiều vấn đề rủi ro vì được sử dụng như một bộ đệm tín dụng ở chỗ thanh khoản dư thừa báo hiệu an toàn với rủi ro thanh khoản thấp, khuyến khích các chủ ngân hàng cho vay nhiều hơn, thậm chí dễ dàng chấp nhận món vay có rủi ro cao hơn.

Hơn nữa, khi đó ngân hàng có thể sử dụng tiền gửi rủi ro hơn để cho vay và đầu tư vào các tài sản có thế chấp bằng bất động sản, hay tiếp nhận những khách hàng có rủi ro cao với các tiêu chuẩn cho vay được nới lỏng, thường dẫn đến sự lựa chọn đối nghịch. Kết quả ngân hàng gia tăng nợ xấu, bong bóng bất động sản đưa sự ổn định ngân hàng vào tình thế nguy hiểm, gieo mầm cho các cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố đến cuối tháng 2/2023, thanh khoản của hệ thống đang dư thừa 50.000 tỷ đồng so với mức yêu cầu tối thiểu (con số này có thể thay đổi khác nhiều tại thời điểm hiện nay). Tuy nhiên, một đặc điểm vẫn đang được duy trì từ thống kê khi đó tới nay là mặc dù các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp không tốt, cảnh báo nguy cơ nợ xấu ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, với cơ chế điều hành lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian qua với mục tiêu hỗ trợ tín dụng nhưng chiến lược hoạch định nguồn vốn ngân hàng còn nhiều hạn chế, thanh khoản dư thừa chưa thật sự được bổ sung cho thị trường vốn hiệu quả. Thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro cũng là một trong các nguyên nhân hạn chế hoạt động mở rộng tín dụng và giải phóng thanh khoản ngân hàng. Chính điều này đang dần gây ra sự bất ổn trong thị trường tài chính hiện nay.

Vì vậy, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của dư thừa thanh khoản đến sự ổn định ngân hàng là rất cần thiết. Việc chấp nhận thanh khoản dư thừa tại các ngân hàng liệu có đảm bảo khả năng thanh toán và sự ổn định hay làm trầm trọng thêm rủi ro khi xuất hiện rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng, làm gia tăng khả năng vỡ nợ và bất ổn của người đi vay? Tác động của thanh khoản dư thừa đối với sự ổn định của ngân hàng là gì?

Tom tat
Tóm tắt lập luận về lý thuyết ổn định NH. Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng ngược chiều của thanh khoản dư thừa đến ổn định ngân hàng tại Việt Nam. Mặc dù khuyến nghị của Basel III về việc duy trì thanh khoản cao để đảm bảo sự ổn định ngân hàng, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy khi thanh khoản dư thừa có nguy cơ gia tăng các hành vi liên quan đến rủi ro đạo đức ở nhà quản lý vì họ dễ dàng chấp nhận rủi ro cao hơn trong các quyết định cấp tín dụng hay đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với các nhà hoạch định chính sách nhận thức mức độ ảnh hưởng này, các cơ quan quản lý ngân hàng cần cải thiện hơn sự giám sát tài chính, chú trọng đến hành vi chấp nhận rủi ro quá mức khi có bộ đệm thanh khoản cao.

Đối với NH hiện đại, tỷ lệ LCR của Basel III được xem như tiêu chuẩn quan trọng, mang ý nghĩa phổ quát, tiên tiến nhất hiện nay và bảo đảm an toàn thanh khoản trong ngắn hạn. Do vậy, thống nhất tên gọi “tỷ lệ bảo đảm thanh khoản – LCR” thay cho “tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày” là một bước tiến lớn trong quá trình tuân thủ các thông lệ quốc tế và tham gia thị trường tài chính – tiền tệ khu vực và thế giới.

Việc tính toán và đưa ra chuẩn mực đúng đắn về đo lường thanh khoản dư thừa cũng giúp cho các NH đánh giá đúng về tính hình tài chính của mình, từ đó sẽ có những chiến lược quan trị rủi ro thanh khoản hiệu quả hơn.

Với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, quy định về thanh khoản của Basel III đề xuất có thể không tối ưu như nhau và giống với các quốc gia phát triển, cho nên cần linh hoạt điều chỉnh phù hợp với quy mô và đặc điểm của từng ngân hàng. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, cơ quan quản lý cần chú trọng hoạch định chính sách khắc phục rủi ro hệ thống của ngành ngân hàng, không nên dùng thanh khoản để bảo hiểm cho nguy cơ khủng hoảng kinh tế vì tiềm ẩn khá nhiều bất ổn tài chính sau này. Việc hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế như là một biện pháp ứng phó khó khăn do Covid-19 gây ra có thể thành công trong ngắn hạn, tuy nhiên dễ dẫn đến phân bổ tín dụng sai lầm, gia tăng nợ xấu.

Một gợi ý hiệu quả khi tình trạng thanh khoản dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, lãi suất giảm chính là việc Chính phủ cần dùng kênh huy động trái phiếu với chi phí thấp nhằm mang tạo ra kỳ vọng phù hợp cho thị trường tài chính trong tương lai.

Ngoài ra, các quy định về dự trữ là cần thiết. Đóng vai trò là công cụ của chính sách tiền tệ, mức dự trữ thanh khoản tại các NH mang lại hiệu quả rất lớn trong quá trình hoạt động. Các quy định dự trữ cần thiết lập trong trung và dài hạn dưới nhiều hình thức tài sản khác nhau và không nhất thiết là tiền mặt. Mục đích chính của các khoản dự trữ này nên tập trung trở thành lá chắn giúp NH an toàn trước các cú sốc và diễn biến thay đổi phức tạp, thường xuyên liên tục của nền kinh tế.

Theo tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam