Trong 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút FDI, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1% so với 10 tháng.
Đáng chú ý, tuy vốn đầu tư mới giảm 11,6% so với 10 tháng 2023 do tháng 11 không có nhiều dự án đầu tư lớn như trong tháng 10, nhưng vẫn duy trì được mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Theo đó, đã có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ.
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2023. Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
TPHCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… như TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.
Nếu xét theo đối tác đầu tư, trong 11 tháng năm 2023, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),…
Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, Trung Quốc lại là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,9%).
Về vốn thực hiện, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ và so với 10 tháng đầu năm. Sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tính tới ngày 20/11/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 237,16 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 235,42 tỷ USD, giảm 6,8%, chiếm 72,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 192 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong 11 tháng năm 2023, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 45,1 tỷ USD kể cả dầu thô và gần 43,4 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 20,4 tỷ USD. |
Theo Haiquanonline