Rà soát quy định hàng hóa được hoàn, miễn thuế giá trị gia tăng

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm bảo đảm tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Do đó, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi loại bỏ các nhóm đối tượng này khỏi nhóm không chịu thuế VAT, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2024. Nghị quyết nhấn mạnh Luật Thuế VAT (sửa đổi) là dự án luật khó, phức tạp, có đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp.

Về quy định đối tượng không chịu thuế VAT, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong từng lĩnh vực; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu VAT để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT.

Về quy định hoàn thuế VAT, Bộ Tài chính rà soát kỹ quy định về các trường hợp, điều kiện được hoàn thuế VAT, bảo đảm hợp lý, khả thi, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu quy định về hoàn thuế VAT đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để bảo đảm có tính khả thi. Đồng thời quy định cụ thể, phù hợp về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về quản lý thuế.

Chuyển 7 hàng hóa, dịch vụ sang nhóm chịu thuế VAT

Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) lần này đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT, nhằm bảo đảm tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế VAT; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sang nhóm chịu thuế VAT.

Theo đó, bao gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng. Các đại biểu cho rằng, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi loại bỏ các nhóm đối tượng này khỏi nhóm không chịu thuế VAT.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc – Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội – cho rằng, lý do của việc loại phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế là xuất phát từ quan điểm của các nhà sản xuất phân bón, do các đơn vị này không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn tới chi phí tăng, bị áp lực cạnh tranh bởi phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên, mục đích chính của việc lựa chọn phân bón là mặt hàng không chịu thuế là để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thông qua việc không đánh thuế VAT để giảm giá giá phân bón đầu vào sản xuất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi). Các quy định về khấu trừ, hoàn thuế được đại biểu đặc biệt quan tâm và cho ý kiến. Hiện thời gian để chủ đầu tư lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán 1 dự án trung bình mất khoảng 18 tháng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét kéo dài thêm thời gian hoàn thuế VAT cho các cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư.

Riêng quy định hoàn thuế cho những hóa đơn trên 5 triệu đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế VAT cũng đang có nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Lao Động