Rào cản và cơ hội ‘thế hệ mới’ cho doanh nghiệp F&B Việt Nam

Các quy định mới về phúc lợi động vật, chống phá rừng, giảm phát thải carbon… có những tác động nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam. Nhận diện các rào cản này và tìm ra giải pháp trong hướng phát triển bền vững không phải là dễ.

Sản xuất bánh kẹo tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Việt Nam đang đàm phán và chuẩn bị ký ba hiệp định tự do thương mại (FTA) mới với ba thị trường ở Trung Đông và Nam Mỹ. Cánh cửa thị trường sẽ mở rộng thêm cho các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu Việt Nam nhưng các thách thức của phát triển bền vững cũng đã hiện ra cụ thể và đầy áp lực.

Rào cản “thế hệ mới”

Hai mươi tám Tết Nhâm Dần 2022. Lô nước yến của Bidrico bị Hải quan Mỹ ách lại ở cảng, vì nghi ngờ có sử dụng hương từ động vật. Lúc này, các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã nghỉ Tết. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, đã cầu cứu các nhà cung ứng châu Âu. Ngay ngày hôm sau Bidrico đã có những chứng nhận cần thiết, lô nước yến đã được thông quan. “Nếu không có sự trở bộ kịp thời, lô hàng có thể bị ách lại một vài tuần”, ông Hiến nhớ lại.

Câu chuyện của Bidrico tại Diễn đàn CEO “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường F&B” tại TPHCM do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 11-1 vừa qua là điển hình của một loạt trở ngại mới trong việc thâm nhập thị trường nông sản, thực phẩm toàn cầu của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đó là những rào cản phi thuế quan mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý, bởi các phong trào và quy định về phúc lợi động vật, mối quan tâm cho sức khỏe và dinh dưỡng ngày càng quan trọng trong quyết định chi tiền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là các yêu cầu, quy định đã được luật hóa như chống phá rừng, giảm lượng phát thải và nhất là thuế carbon.

Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam, nói rằng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ và EU vẫn nghiêm ngặt, nhưng hiện các cơ quan chức năng của hai thị trường này đang tập trung vào chương trình giám sát môi trường tạo ra sản phẩm. “Ngày trước họ tập trung nhiều vào sản phẩm, chỉ cần đạt những phiếu kiểm nghiệm thì thông qua. Còn bây giờ, họ tiếp xúc, thanh tra các vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất như bảo hộ lao động, môi trường không khí, tay công nhân và cả vi khuẩn trên da công nhân”, ông nói.

Ba trụ cột cốt lõi cho phát triển bền vững tại châu Âu – các luật mới về khí hậu, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh – đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, tạo nên hàng rào mới cho hàng nhập khẩu vào EU từ các nước đang phát triển.

Đáng chú ý là quy định về chuỗi cung ứng không gây suy thoái rừng và thu hẹp diện tích rừng (EUDR), cấm nhập khẩu bảy nhóm mặt hàng (gỗ, cao su, cà phê, dầu cọ, đậu nành, thịt bò, ca cao và các sản phẩm liên quan) vào EU nếu quá trình canh tác, sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

EUDR được ban hành tháng 6-2023, chính thức có hiệu lực sau 18 tháng ban hành. Các doanh nghiệp có quy mô lớn có thời gian 18 tháng và doanh nghiệp quy mô nhỏ có 24 tháng tính từ thời điểm EUDR có hiệu lực để chuẩn bị thông tin theo yêu cầu của EUDR. Nhưng các loại cây và vật nuôi trên đất khai phá từ rừng sẽ bị áp cột mốc từ 31-12-2020 trở đi.

Hàng năm, Việt Nam xuất hơn 2,5 tỉ đô la các sản phẩm đồ gỗ, cao su và cà phê vào EU. Nếu không có sự chuẩn bị sớm để tuân thủ các quy định mới, ba mặt hàng chủ lực này sẽ bị hạn chế hoặc khó có thể nhập khẩu vào thị trường “lục địa già” khó tính trong thời gian tới.

Chiến lược “Farm to Fork” (Từ nông trại đến bàn ăn) được ban hành từ tháng 5-2020 và tiếp tục được cập nhật, là trọng tâm của Thỏa thuận xanh châu Âu được EU đưa ra với mục tiêu tạo ra các hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường. Các mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu, từ 20% phân bón, 50% thuốc kháng sinh cho vật nuôi và thủy sản, đạt 25% đất nông nghiệp canh tác hữu cơ vào năm 2030 là những nguy cơ ở thì tương lai, nhưng lại hiển hiện ngay trước mắt doanh nghiệp và nông dân Việt Nam, vị đại diện Bureau Veritas Vietnam nhấn mạnh.

Nắm bắt cơ hội mới, thị trường mới

Biến đổi khí hậu, hạn hán ở miền Bắc Mexico đầu năm ngoái khiến loại ớt Jalapeños – nguyên liệu chính của tương ớt Sriracha – khan hiếm, sản lượng tương ớt của công ty Huy Fong của ông David Trần ở Los Angeles, California sụt giảm mạnh. Những chai tương Sriracha lừng danh của Huy Fong cũng biến mất khỏi kệ siêu thị, bàn ăn nhà hàng hay gia đình. Sự thiếu vắng Sriracha Huy Fong đã tạo nên hiện tượng toan cầu. Giá một chai Sriracha Huy Fong có lúc vọt lên 60-70 đô la, có lúc vượt mốc 120 đô la trên các trang điện tử Amazon, eBay hay Craigslist.

“Các cơ sở xuất khẩu ớt của Việt Nam hiện chỉ tập trung vào Trung Quốc. Rất tiếc các cơ sở xuất khẩu ớt của Việt Nam không nắm bắt được cơ hội đó, bởi chúng ta không có loại ớt Jalapeños và sản phẩm như Huy Fong”, chủ một doanh nghiệp thực phẩm tại TPHCM bình luận.

Thị trường muôn hình vạn trạng, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thế mạnh riêng. Từ hơn mười năm nay, Cholimex Food đã bán vào các siêu thị Carrefour, Système U và Auchan nhiều mặt hàng, nhưng với nhãn riêng của họ. Trong sự kiện hàng Việt Nam tại Carrefour và Système hồi Tết Trung thu 2023 tại Pháp, Cholimex đã giới thiệu nhiều mặt hàng xốt – gia vị như tương ớt, ớt sa tế, ớt khô sa tế, xốt lẩu chua hải sản, gia vị kho cá, gia vị kho thịt, xốt bò kho, dầu hào… Tổng giám đốc Diệp Nam Hải hy vọng một ngày các sản phẩm mang thương hiệu của Cholimex sẽ xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị của nước Pháp, có mặt trong bữa ăn của người Việt và dân bản xứ.

Việt Nam đã ký và thực thi 16 FTA, đang đàm phán và chuẩn bị ký thêm ba FTA mới với các nước Trung Đông và Nam Mỹ – theo lời bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương. Con đường xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam có vẻ ngày càng thênh thang ở phía trước, bởi các nước không giảm mức nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nhu cầu của người dân trong nước.

Tuy vậy, bà Hiền cũng cho rằng các FTA thế hệ mới này cùng với những thay đổi mới trong thói quen người tiêu dùng và các luật định sẽ là những rào cản thế hệ mới với nhà xuất khẩu, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. “Cơ hội càng lớn, dĩ nhiên rào cản cũng phải lớn”, bà Hiền nói.

Điều bà Hiền nói cũng tương tự lời ông Bùi Đặng Khuê nói về thị trường Hồi giáo: “Doanh nghiệp Việt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal cho thị trường Hồi giáo, Kosher cho thị trường Do Thái, cùng những quy chuẩn và luật định mới của thị trường Âu – Mỹ”.

Thuế carbon và tín chỉ carbon quả đáng sợ?

Có vẻ, doanh nghiệp Việt còn ít nhất hai năm để chạy theo các cột mốc thời gian về cơ chế phát thải của EU. Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam nói chắc rằng trong tương lai, không sớm thì muộn ngành thực phẩm Việt Nam cũng sẽ bị áp thuế carbon. Còn đại diện Bộ Công Thương lại nói rằng: “Điều đó sẽ đến sớm bởi Bidrico, Cholimex hay Vinamilk và các công ty đều có các sản phẩm chứa đựng trong bao bì làm từ cao su, kim loại…”.

Tín chỉ carbon hiện nay trên thị trường đang được bán với giá 85 euro, theo lời ông Bùi Đặng Khuê, nhưng khả năng giá sẽ cao hơn nữa sau khi áp Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM). Khi đó các doanh nghiệp phải mua tín chỉ CBAM để bù lại, theo giá khớp lệnh trên sàn mua bán khí phát thải EU (EU ETS) với giá trung bình theo tuần.

Cho đến giờ, hầu hết các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam chưa hoàn toàn nắm rõ các ngõ ngách quy định và giá cả của thị trường mới mẻ này. Một số hợp đồng mua bán tín chỉ carbon giá sỉ với giá 5 đô la mỗi tín chỉ thông qua Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế Giới (World Bank Group). Trên thực tế, thị trường giao hàng trong tương lai thậm chí còn thấp hơn, chẳng hạn tập đoàn dầu khí Shell từng dành 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm để mua 120 triệu tín chỉ carbon, giá chỉ hơn 83 xu Mỹ/tín chỉ. Vì sao có sự chênh lệch kinh khủng như vậy giữa một thị trường tín chỉ carbon tự nguyện (như Shell đã làm) và một thị trường luật định như vậy? Ngay thời điểm này, lượng chuyên gia và các doanh nghiệp tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn thuộc dạng rất hiếm hoi.

Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đã chuyển động. Một số nước đã tìm hiểu các khu rừng đước nguyên sinh ở Cà Mau, Bạc Liêu hay trồng lúa nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm có được tín chỉ carbon chất lượng cao, và dĩ nhiên giá cao sau này. Cùng thời điểm Diễn đàn CEO tại TPHCM, một hội thảo về trồng lúa để tạo tín chỉ carbon do một đối tác Canada khởi xướng đã diễn ra tại Đắk Lắk.

Cách nào để ứng phó?

Thông tin tại Diễn đàn CEO: “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” hôm 11-1 cho thấy, để có thể đáp ứng được hàng loạt tiêu chí mới về bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường, điểm chung nhà sản xuất phải làm tập vào các yếu tố phát triển bền vững. Doanh nghiệp nên kết hợp giữa sản xuất và tạo tín chỉ carbon, tinh gọn sản xuất, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên vật liệu có phác thải thấp và bền vững, tận dụng nhiên liệu sinh học, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm… Cùng với đó là tăng cường quản lý chất lượng, tự tuân thủ và theo dõi sát sao việc tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của nhà cung ứng.

“Chúng tôi thực hiện thường xuyên việc truy xuất nguồn gốc, đầu tư mở rộng nhà xưởng để giữ chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới”, ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cholimex nói và cho biết, chỉ riêng với nguyên liệu đầu vào là con tôm, công ty sử dụng đến 1.000 tấn/năm. Vì vậy, việc truy suất nguồn gốc để đảm bảo nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bền vững là rất quan trọng để bán được hàng ở những thị trường khó tính.

Ông Khuê cũng có nhận định tương tự và đưa ra ví dụ, để đáp ứng các quy định về chống phá rừng, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhận thức cho toàn bộ chuỗi, thông báo cho nhà cung cấp biết thông tin để chuẩn bị hồ sơ, kế đến doanh nghiệp phải hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, tọa độ địa lý, nguồn gốc thửa đất và quá trình nuôi trồng, khai thác sản phẩm. “Có rất nhiều việc phải kiểm tra, như việc mua bao bì giấy làm từ gỗ cũng là một nội dung cần kiểm soát vì có thể vi phạm quy định này”, ông nói.

Với việc tạo tín chỉ carbon từ hoạt động sản xuất, chuyên gia này cho biết, nhiều tập đoàn Thái Lan đã thuê đất ở Việt Nam trồng lúa xuất khẩu và tạo tín chỉ carbon để bán. Hiện nay, giá một tín chỉ carbon trên sàn ETS của EU là 85 euro, sắp tới sẽ cao hơn khi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được áp dụng. Đây là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu vào EU cần quan tâm hơn.

Chuyên gia này và nhiều người khác cho rằng, việc phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội đây là một xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển thương mại quốc tế. Vì vậy, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc đua đổi mới để xanh và bền vững hơn.

Từ ngày 1-10-2023, 27 nước thành viên EU đã bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM với sáu loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU thì sẽ phải mua “chứng chỉ carbon” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Đến tháng 1-2026, CBAM bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS. Đến năm 2027 Ủy ban châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.

Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn