Sản xuất gặp khó, nhập khẩu nguyên liệu giảm sâu

Hết tháng 9, nhập khẩu cả nước chỉ đạt 237,33 tỷ USD, giảm 14% (tương ứng giảm 38,76 tỷ USD) so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, do sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng nguyên liệu phụ liệu giảm mạnh nhất.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của lĩnh vực dệt may giảm sâu từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: T.Bình.

10 nhóm hàng giảm “tỷ đô”

Theo số liệu thống kê mới được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, hết tháng 9 có tới 10 nhóm hàng nhập khẩu giảm từ 1 tỷ USD trở lên.

Từ dữ liệu thống kê của ngành Hải quan cho thấy, các nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm sâu liên quan đến nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như linh kiện điện thoại, linh kiện máy vi tính, đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giày – lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất cả nước với hàng người.

 

Giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Hết tháng 9, nhập khẩu nhóm hàng này là 6,05 tỷ USD, giảm mạnh tới 61,7%, tương ứng giảm tới 9,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh ở thị trường Hàn Quốc, với kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng chỉ là 423 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ năm trước đạt tới 8,35 tỷ USD.

Các nhóm hàng giảm mạnh khác như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 4,04 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu giảm 2,64 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 2,03 tỷ USD; vải các loại giảm 1,86 tỷ USD; kim loại thường khác giảm 1,66 tỷ USD; hóa chất giảm 1,57 tỷ USD; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 1,37 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,14 tỷ USD; sản phẩm hóa chất giảm 1,13 tỷ USD.

Như vậy, chỉ riêng 10 nhóm hàng nêu trên có kim ngạch giảm gần 27,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 70% mức sụt giảm kim ngạch nhập khẩu của cả nước nói chung.

Ngoài ra, nhóm hàng đáng chú ý là ô tô nguyên chiếc các loại cũng giảm mạnh, trong khi đây là một trong những nguồn đóng góp số thu ngân sách lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Hết tháng 9, Việt Nam nhập khẩu 94.177 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 17,8%, tương ứng giảm 20.372 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong quý 1/2023 tăng 18.263 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng quý 2 và quý 3 năm nay giảm lần lượt là 11.016 chiếc và 27.619 chiếc.

Giảm mạnh ở nhóm hàng nguyên liệu

Từ dữ liệu thống kê của ngành Hải quan cho thấy, các nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm sâu liên quan đến nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như linh kiện điện thoại, linh kiện máy vi tính, đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giày – lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất cả nước với hàng người.

Trong tháng 9, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) nhập khẩu đạt kim ngạch 2,03 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng của năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày chỉ đạt 17,77 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 3,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với kim ngạch 9,34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới 53% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, nhưng cũng giảm 15,6% (tương ứng giảm 1,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế cho thấy, việc sụt giảm nguyên liệu của các ngành sản xuất như dệt may, giày dép là dễ hiểu khi hoạt động sản xuất của hầu hết doanh nghiệp ở 2 lĩnh vực này gặp khó khăn.

Ngày 25/10, trao đổi với Tạp chí Hải quan, đại diện một doanh nghiệp dệt may lớn trong nước chia sẻ: ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của công ty chỉ đạt khoảng 300 triệu USD. Dù vẫn nằm trong nhóm doanh nghiệp xuất khẩu lớn của ngành dệt may, nhưng kết quả này chỉ bằng khoảng 70% so với năm 2022.

Sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó do tác động lớn từ nhiều yếu tố như ảnh hưởng của “hậu đại dịch” Covid-19, bất ổn do các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới, việc thắt chặt và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới…

“Trước đây, các đơn hàng, kế hoạch sản xuất của công ty ổn định theo quý, theo năm, nhưng bây giờ chúng tôi phải tính toán cho từng tuần. Thời kỳ sản xuất thuận lợi, cuối quý 3, đầu quý 4 là đã chốt được đơn hàng cho năm sau nhưng hiện nay tình hình còn rất ảm đạm”, vị đại diện doanh nghiệp dệt may chia sẻ thêm.

Một khó khăn khác được doanh nghiệp đề cập là đơn giá gia công sản phẩm dệt may cũng xuống thấp chỉ bằng 50%-70% so với trước đây.

Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường có quy mô nhỏ trước đây chưa được chú trọng.

Theo Haiquanonline