THĐS- Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, phát huy tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, nông dân trong vùng đã khai hoang, trồng được gần 15.400ha dứa chuyên canh, mỗi năm cho sản lượng thu hoạch khoảng 300.000 tấn dứa thương phẩm, lớn nhất tỉnh Tiền Giang và là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dứa vùng Đồng Tháp Mười, Tân Phước quan tâm định hình vùng sản xuất chuyên canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước đã tổ chức gần 200 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho gần 4.300 hộ nông dân vùng chuyên canh, chủ yếu kỹ thuật thâm canh dứa, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm…
Riêng với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, chủ động thời điểm thu hoạch được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân đang áp dụng rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh cây trồng đặc sản. Hiện nay, nhờ vào việc áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ, dứa Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm được nguy cơ được mùa, mất giá do mất cân đối cung – cầu thị trường nông sản bởi thu hoạch tập trung vào một thời điểm nhất định trong năm. Nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.
Ngoài ra, chú trọng mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ trái dứa, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác cũng góp phần quan trọng đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của vùng chuyên canh dứa.
Theo ông Trần Hoàng Phong, toàn huyện hiện có mạng lưới 8 hợp tác xã liên kết thu mua, tiêu thụ dứa cho bà con nông dân. Mặt khác, có trên 20 vựa thu mua trái dứa cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước hoặc doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Từ đó, đảm bảo đầu ra cho trái dứa khi đến kỳ thu hoạch và người dân rất an tâm sản xuất.
Tân Phước cũng quan tâm việc sơ chế, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ trái dứa phục vụ nhu cầu thị trường đã giúp nâng giá trị và thương hiệu trái dứa Tân Phước. Từ trái dứa tươi, người dân địa phương chế biến ra nhiều sản phẩm như: kẹo dứa, nước màu dứa, nước giải khát từ trái dứa… và đưa ra phục vụ thị trường đã giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn vừa tạo ra giá trị gia tăng đáng kể từ trái dứa chủ lực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang.
Năm nay, nông dân vùng chuyên canh dứa Đồng Tháp Mười trúng mùa, bội thu. Đến giữa tháng 11/2023, Tân Phước đã thu hoạch được trên 12.000 ha với năng suất bình quân 20,5 tấn/ ha và sản lượng gần 250.000 tấn dứa thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Đáng mừng là trong năm 2023, dứa Đồng Tháp Mười luôn có giá cao, giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thêm nguồn thu nhập nên cuộc sống ổn định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, giá dứa luôn đứng ở mức từ 8.000 – 9.500 đồng/kg, có lúc vượt lên trên 10.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm trước. Với giá này, mỗi ha cho nông dân lợi nhuận ròng khoảng 100 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ cây dứa, bà con Tân Phước vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững vàng trên miền đất mới khai hoang Đồng Tháp Mười.
Ông Lê Văn Bé Hai, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước cho biết, ông có 3 ha đất trồng dứa chuyên canh. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để dứa đạt năng suất, sản lượng cao, chú trọng xử lý cho trái rải vụ nên khi thu hoạch bán được giá cao. Trong năm 2023, ước tính, ông đạt sản lượng dứa trên 60 tấn, bán thu nhập ròng khoảng 300 triệu đồng.
Từ một nông dân nghèo khó vào khai hoang lập nghiệp nơi đây, nhờ trồng dứa chuyên canh, ông Lê Văn Bé Hai đã trở thành triệu phú trên Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), tạo dựng cơ nghiệp bền vững, đóng góp vào sự đổi thay của miền đất hoang hóa một thời.
theo TTXVN