Theo lãnh đạo đơn vị đường sắt, sự cố sạt lở hầm, tắc đường sắt làm phát sinh chi phí thuê xe ô tô để chuyển tải khách,… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã có báo cáo tài chính quý II/2024, ghi nhận doanh thu đạt gần 784 tỷ đồng, tăng hơn quý II/2023 hơn 149 tỷ, tương đương tăng 23,54%.
Báo cáo cho thấy, lợi nhuận kế toán sau thuế chỉ được hơn 6 tỷ, trong khi cùng kỳ 2023 được hơn 25,3 tỷ, giảm hơn 19,2 tỷ.
Lý giải về kết quả kinh doanh, ông Trần Văn Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, chi phí điều hành GTVT đường sắt trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 60% doanh thu.
Cùng với đó, chi phí điều hành GTVT được thu theo đoàn tàu và đơn vị tấn/km, nghĩa là cứ đoàn tàu chạy là phát sinh phí; càng chạy nhiều tàu, chi phí điều hành GTVT càng lớn.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận không được như kế hoạch là do quý II/2024 xảy ra hai vụ sạt lở hầm vào tháng 4, tháng 5, gây ách tắc đường hàng chục ngày, ảnh hưởng phát sinh nhiều chi phí liên quan đến điều hành GTVT, đặc biệt là chạy tàu rỗng.
Ông Nam cho hay, việc chạy tàu hàng chỉ có lãi khi đoàn tàu đủ chiều dài tấn số, 22 toa xe chẳng hạn và chạy hàng hai chiều. Nhưng giờ sạt lở, tắc đường, sẽ phải hoặc là chạy tàu về điểm xuất phát để trả hàng cho khách, hoặc chuyển tải, rồi chạy toa xe rỗng về…
Như vậy, cũng đồng doanh thu đó, nhưng phát sinh tàu chạy rỗng, vừa không đủ bù đắp chi phí thông thường, lại còn tăng phí điều hành GTVT.
Với tàu khách cũng tương tự. Không những vậy còn phát sinh chi phí thuê xe ô tô để chuyển tải khách, chi phí phục vụ miễn phí hành khách suất ăn, nước uống… Ảnh hưởng từ hai vụ sạt lở khiến đơn vị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho thấy, quý II/2024, doanh thu của công ty đạt hơn 529 tỷ đồng, tăng hơn 101 tỷ đồng, tương đương 23,59% so với cùng kỳ 2023.
Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh khi ghi nhận lợi nhuận kế toán sau thuế đạt gần 4,9 tỷ. Quý II/2023, con số này là hơn 11,3 tỷ, sụt giảm đến hơn 6,4 tỷ đồng.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt về kế hoạch sáp nhập 2 đơn vị Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.
Việc sáp nhập 2 doanh nghiệp này đã được thông qua tại Đại hội cổ đông của hai công ty và HĐQT hai công ty đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện hai công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
“Ngày 26/6/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 562 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Vệt Nam giai đoạn đến hết năm 2025”, ông Khánh cho biết.
Ông Khánh thông tin, trong 6 tháng cuối năm 2024, Đường sắt Việt Nam triển khai Đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 562 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành phương án sáp nhập hai Công ty cổ phần vận tải đường sắt theo tiến độ đề ra.
Cùng đó, Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các công ty vận tải tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt lưu ý các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại mà khách hàng phản ánh.