Sau khi liên tiếp leo đỉnh, giá vàng lao dốc không phanh

Giá vàng sáng nay (13/5) đã lao dốc không phanh khi tiếp tục suy giảm và mất mốc 90 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, 10h sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 86,5 – 89,5 triệu đồng/lượng, giảm 2,3 – 1,8 triệu đồng/lượng (mua – bán) so với đầu giờ sáng nay.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng được Doji niêm yết ở mức 85,5 – 87,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng (mua vào) so với đầu giờ sáng nay.

Như vậy, giá vàng từ sau khi chinh phục ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5 đã liên tục lao dốc.

Điều đáng nói, diễn biến giá vàng trong nước hôm nay trái ngược hoàn toàn với thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới hôm nay được niêm yết trên Kitco ở mức 2.363 USD/ounce, tăng 04 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng đứng ở ngưỡng cao do đang được hưởng lợi từ kỳ vọng điều chỉnh lãi suất sau dữ liệu kinh tế Mỹ đáng thất vọng.

Giá vàng hôm nay lao dốc. (Ảnh: Công Hiếu).

Với những diễn biến bất thường của giá vàng thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng khi vàng đang là kênh đầu tư khá rủi ro.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, người dân không nên mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.

Ông Nguyễn An Huy – chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc Công ty FIDT cho rằng, quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại.

Ông khuyến nghị một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ vàng với tỷ trọng 5 – 10% tổng tài sản.

Cũng theo Huy, những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn của các thương hiệu uy tín hơn là vàng miếng SJC tại thời điểm này.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, có những thời điểm giá mua – bán của vàng trong nước được điều chỉnh lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh rất lớn, thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.

Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.

Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, nhà kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với giá cao nên người mua đối diện nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng nếu thị trường biến động. Chênh lệch càng lớn, rủi ro càng nhiều“, ông Hiếu phân tích.

Theo VTC