Cần sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về cho thuê tài chính – một trong những lĩnh vực của tổ chức tài chính chuyên ngành theo khung khổ Luật Các TCTD (sửa đổi).
Đó là đề xuất của ông Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính (CTTC) Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Ông có đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2023 vừa qua?
Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể chia làm hai vấn đề như sau: Một là, thuận lợi và những kết quả đã đạt được, trong đó, kinh tế vĩ mô năm 2023 của Việt Nam cơ bản ổn định, tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá (5,03%), lạm phát và tỷ giá được kiểm soát.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã hỗ trợ đáng kể nền kinh tế của chúng ta, điển hình là chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể tiếp tục tiếp cận vốn của các TCTD, trong đó có các doanh nghiệp CTTC.
Điểm sáng đáng chú ý nữa là đầu tư công được thúc đẩy giải ngân cao, đạt trên 95% theo kế hoạch của Chính phủ, tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng nên cũng tạo những thuận lợi đối với ngành CTTC trong cho thuê thiết bị máy móc xây dựng, phương tiện vận tải….
Mặc dù tổng cầu thế giới suy giảm, nhưng điều đó đã giúp giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu rẻ hơn tạo thuận lợi cho hoạt động nhập thiết bị máy móc để cho thuê với giá hợp lý hơn. Nhiều doanh nghiệp FDI đều đã biết và sẵn sàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của CTTC như đặt các gói thuê thiết bị, đây được xem là cơ hội tốt để mở đối tượng sản phẩm thuê và khách hàng thuê trong lĩnh vực này.
Hai là, các vấn đề chưa thuận lợi do tích tụ những khó khăn từ thời gian COVID-19 đã làm kiệt quệ nguồn lực doanh nghiệp và hộ kinh doanh, khiến tổng cầu trong nước suy giảm, khả năng mở rộng tín dụng bị hạn chế. Đối với phía ngân hàng, nguy cơ nợ xấu gia tăng do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm sút doanh thu và lợi nhuận.
Về môi trường bên ngoài, rủi ro bất định của kinh tế thế giới đến từ các cuộc xung đột Nga-Ukraine và gần đây là Isarel – Hamas; Lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng nhiều NHTW lớn khác tăng lãi suất càng làm cho kinh tế lâm vào khó khăn hơn. Đặc biệt, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn đe dọa thế giới.
Riêng trong lĩnh vực CTTC, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề đó là những thay đổi chính sách, quy trình mới trong đăng ký, quản lý phương tiện giao thông vận tải, xử lý hành chính trong các lĩnh vực để hướng tới quản lý áp dụng công nghệ số chưa đồng bộ, nhất quán; chưa lường hết những phát sinh từ thực tế nên tạo thêm những rào cản về pháp lý, gia tăng nhiều chi phí tuân thủ, làm mất đi cơ hội phát triển dư nợ của ngành CTTC.
Trong khi đó, những vướng mắc pháp lý trước đây còn chưa được tháo gỡ như tỷ lệ an toàn chi trả của tổ chức tín dụng phi ngân hàng ở mức quá cao (20%) gây lãng phí vốn; vấn đề hoàn thuế đối với dịch vụ CTTC vào khu chế xuất còn hiểu và áp dụng chưa thống nhất giữa các Cục thuế…
– Trải qua những thuận lợi và khó khăn như vậy, xin ông cho biết, kết quả nổi bật của các doanh nghiệp CTTC trong năm 2023 rao sao?
Có thể nói trong năm qua, các công ty hội viên thuộc Hiệp hội CTTC đều kinh doanh có lãi với mức ROE đạt từ 8% đến trên 10%. Điểm tích cực là 100% khoản cấp tín dụng qua CTTC đều được đánh giá rủi ro môi trường, có thể được xem là tín dụng xanh trong ngành CTTC triển khai sớm và đầy đủ, nhiều khoản CTTC đã góp phần xanh hóa ngành dệt may…
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức bình quân dưới 1%, trong đó, tổng quỹ trích dự phòng rủi ro đạt 260,8 tỷ đồng, tăng 360,51% so năm 2022, điều này cho thấy DN và hộ kinh doanh thực sự gặp nhiều khó khăn nên phát sinh nợ có vấn đề và nợ xấu.
Kết quả đáng khích lệ này là nhờ đối tượng CTTC ngày càng phát triển đa dạng như cho thuê ô tô các loại có dư nợ đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 17,03% so cuối năm 2023; Dư nợ cho thuê máy móc xây dựng, khai khoáng đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 49,41%; Thiết bị y tế 162 tỷ đồng tăng 55,2%; Dây chuyền máy sản xuất đã tăng rất mạnh, dư nợ đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 183,49% so cuối năm 2022. >> Giải ngân gói 40.000 tỷ đồng: “San sẻ” sang cho thuê tài chính – Bước sang năm 2024, ông có nhìn nhận thế nào về triển vọng nền kinh tế nói chung và ngành CTTC nói riêng? |
Tổng tài sản của 6 công ty hội viên Hiệp hội CTTC cuối năm 2023 đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng 10,65% so cuối năm 2022; Tổng nguốn vốn huy động là 19,8 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 25,76%, có mức tăng huy động vốn gấp hơn 2 lần mức tăng chung của toàn hệ thống các TCTD; Tổng dư nợ cho thuê tài chính của công ty hội viên đạt 37,2 ngàn tỷ đồng, tăng 13,75% so cuối năm 2022; dư nợ CTTC tăng đều đặn qua các quý, với số lượng hợp đồng cho thuê cả năm 8.403 hợp đồng, tăng 18,3% so với năm 2022. |
Tôi cho rằng, do yếu tố bất định nên khó khăn, thách thức vẫn bao trùm nền kinh tế toàn cầu trong đó không tránh khỏi có Việt Nam. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn ở mức 2,9%, giảm so với dự báo của năm 2023; Rủi ro địa chính trị, xung đột chiến tranh vẫn chưa thấy hồi kết; Gián đoạn chuỗi cung ứng; Lạm phát tuy giảm nhưng còn chậm ở châu Âu; Kinh tế phục hồi chậm, trong khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới, mà xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cơ hội và động lực mới luôn xuất hiện, với kinh tế Việt Nam các yếu tố như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trở thành động lực lan tỏa cho kinh tế tư nhân phát triển cũng là cơ hội để dịch vụ CTTC phát triển.
Thời gian qua, chúng ta đã đề cập nhiều đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi lượng vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh rất lớn từ các TCTD trong đó có CTTC. Theo tôi, ngành nghề, sản phẩm mới trong lĩnh vực điện tử sẽ mở ra cơ hội nhập dây chuyền máy móc, thiết bị mà ở đó CTTC đóng vai trò quan trọng, khi Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI vốn đã rất quen với dịch vụ CTTC.
Điểm đáng chú ý trong năm nay là khung khổ pháp lý mới sẽ được hướng dẫn bổ sung khi Luật các TCTD sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đối với lĩnh vực CTTC. Những khoản CTTC nhỏ lẻ từ dưới 100 triệu đồng nhắm tới cho thuê thiết bị văn phòng, cho thuê tài sản tiêu dùng đối với hộ gia đình trong các khu dân cư cũng đã được Luật các TCTD sửa đổi quy định chỉ kiểm soát mục đích sử dung vốn tổng thể không phải xây dựng phương án kinh doanh hay tiêu dùng, giảm bớt thủ tục hành chính…
Vì vậy, chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng dư nợ khiêm tốn CTTC năm 2024 khoảng 20%, dư nợ của các công ty hội viên cuối năm 2024 đạt khoảng 45 ngàn tỷ. Sản phẩm cho thuê chủ lực vẫn là: ô tô các loại; máy móc xây dựng, thi công; dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất.
– Ông có kiến nghị giải pháp gì để thúc đẩy lĩnh vực CTTC phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành kênh hỗ trợ vốn quan trọng cho doanh nghiệp?
Phải nhìn nhận thực tế rằng tỷ lệ dư nợ CTTC/GDP Việt Nam rất thấp, chưa đầy 0,4%, trong khi tại Mỹ là 22%, Trung Quốc 18%. Các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như người dân Việt Nam biết đến CTTC chưa nhiều.
Do đó, một số rào cản pháp lý cần tiếp tục được tháo gỡ như đối tượng sản phẩm cho thuê; tỷ lệ về an toàn trong quản trị rủi ro và chúng ta không thể xem CTTC như ngân hàng thương mại.
Như tôi đã đề cập ở trên, quy định mới về đăng ký vận hành phương tiện giao thông đang vướng mắc về thời gian đăng ký, biển số theo vùng miền nay chỉ về hội sở chính, đổi biển dẫn đến nhiều khách hàng đã từ chối thuê tài chính. Theo thống kê sơ bộ từ 4 công ty CTTC hội viên, tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỷ đồng.
Để tạo môi trường thuận lợi CTTC phát triển, Hiệp hội CTTC đề xuất như sau: Thứ nhất, ưu tiên trước mắt cũng như Hiệp hội sẽ là đầu mối tập hợp các ý kiến, đề xuất tới cơ quan soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về CTTC – một trong lĩnh vực của tổ chức tài chính chuyên ngành theo khung khổ Luật Các TCTD sửa đổi.
Thứ hai, mặc dù những kiến nghị vướng mắc về Thông tư 24/2023/TT-BCA về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận và nghiên cứu, nhưng trên thực tế vẫn chưa được chỉnh sửa nên đây vẫn là vướng mắc lớn nhất hiện tại.
Chúng tôi tiếp tục có đề xuất cụ thể về biện pháp tháo gỡ để giảm thời gian chờ đợi; việc di chuyển phương tiện tới nơi đăng ký nhằm giảm tốn kém chi phí và thời gian; chi phí cấp biển số cao; việc miễn giảm phí giao thông với khách hàng thuê tại địa bàn tỉnh thành phố mà khách cư trú, nhưng biển xe thuê lại từ Hà Nội hay TP HCM do trụ sở của công ty CTTC đóng tại đây.
Trân trọng cảm ơn ông!