Ít ai biết, cuộc đời của ông Lê Đức Thành, người xây dựng Thành Bưởi đầy rẫy những thăng trầm.
“Khi con có tuổi rồi thì con hiểu, con là con của bố nhưng khách hàng, hàng hóa, xe là sự sống của bố, thiếu một trong các thứ ấy bố sẽ chết… Mùi của bố là mùi xe, mùi nhớt, mùi dầu, mùi bụi…”.
Ông Lê Đức Thành, người xây dựng Thành Bưởi trở thành một trong những hãng xe tư nhân nổi tiếng một thời đã chính thức chấm dứt “cõi đời chìm – nổi”. Là người thành lập một thương hiệu gắn liền với những tình cảm của nhiều thế hệ học trò phía Nam bởi có “giá ưu đãi đặc biệt”. Nhưng ít ai biết, cuộc đời của người đàn ông kín tiếng ấy là đầy rẫy những thăng trầm.
Thành công với bản tính người lính
Ông chủ nhà xe Thành Bưởi vốn xuất thân từ lính lái xe Trường Sơn, sau đó tiếp tục đi lái xe thuê cùng vợ. Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với phóng viên báo Công an nhân dân khi được hỏi về thương hiệu Thành Bưởi, ông Thành cười xuề xoà và thẳng thắn. “Tại bà xã tên Bưởi. Bả làm lơ, tôi lái, lặn lội ngang dọc kiếm sống, mọi người quen gọi xe thế, và khi lập công ty cũng cứ thế…”. Đơn giản như cuộc sống, bươn chải kiếm sống và làm đẹp cho đời.
Từ lính lái xe Trường Sơn, trở về vẫn là người lái xe. Đi lái xe thuê, vợ chồng chung lưng đấu cật, nhận từ những việc nhỏ, suốt ngày rong ruổi bon bon, rồi mua xe nhỏ tự chạy, đông khách, rủ, nhờ bạn bè chạy cùng. Đông khách hơn kiếm được thêm, từ từ mua thêm xe…
Ngoài bằng lái xe, ông Thành có cái bằng khác nữa: “bằng” tốt nghiệp lớp 7/10. Thế thôi, rồi làm sao thành công nhanh vậy, thành lập công ty năm 2000 mà sau đó có hàng trăm đầu xe chạy ngang dọc.
Tưởng rằng ông sẽ giải thích bằng các phân tích kinh tế hay lý luận làm ăn gì ghê gớm, hóa ra ông bảo: “Muốn làm được là phải có uy tín, nhân tố con người, đạo đức”. Cao siêu quá là không hiểu, thực hành ở Công ty Thành Bưởi chỉ là phục vụ khách tử tế tối đa.
Và trong khi các nhà quy hoạch đô thị còn loay hoay tìm thêm chỗ thiết kế, xây dựng nhà để xe, hầm để xe, tại địa điểm kinh doanh Thành Bưởi, hàng loạt nhà cao tầng cũ được cải tạo lại, biến thành nhà để xe cho khách, có thang máy chuyên dụng đưa xe lên xuống. Xe máy khách dựng ngay ngắn theo từng khu vực trên các tầng nhà rộng mênh mông…
Lại có các khu nhà nghỉ cho khách, miễn phí cho khách chờ xe. Nhiều khách gọi đó là Hotel Thành Bưởi, không bụi bặm, sạch sẽ, cứ việc tắm rửa, nghỉ ngơi mỗi khi đợi xe, chuyển xe…Và cứ theo triết lý ấy, ông đã làm Thành Bưởi không ngừng phát triển, năm 2016 đã sở hữu hơn 200 đầu xe. Đến năm 2017, công ty đã nâng vốn điều lệ từ 33 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. Và năm 2021, 2023 Thành Bưởi đạt doanh thu đến gần 500 tỷ mỗi năm.
Tuy nhiên, một biến cố lớn đã xảy đến với Thành Bưởi, đó là một ngày định mệnh cuối tháng 9/2023, một vụ tai nạn thảm khốc trên Quốc lộ 20, Đồng Nai làm chấn động dư luận. Khi đó, tài xế Hoàng Văn Tính điều khiển xe khách Thành Bưởi đâm vào xe 16 chỗ khiến 5 người chết và 4 người bị thương. Điều đáng nói là tài xế gây tai nạn đã bị tước giấy phép lái xe trước đó.
Cơ quan chức năng xác định Lê Dương là người có thẩm quyền ký lệnh vận chuyển hành khách của Công ty Thành Bưởi nhưng không kiểm tra giấy phép lái xe, đo nồng độ cồn theo quy định dẫn đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Tội danh này khiến con trai ông chủ hãng xe Thành Bưởi bị tuyên án 2,5 năm tù. Công ty Thành Bưởi phải bồi thường cho các gia đình bị hại số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Sau biến cố quá lớn nói trên, nhiều người thấy bà Bưởi năng đến chùa hơn. Người con trai cả Lê Khánh cũng không còn nằm trong ban lãnh đạo của các công ty thuộc hệ sinh thái của Thành Bưởi. Đến nay, người sáng lập thương hiệu Thành Bưởi cũng ra đi.
Nhìn Thành Bưởi ở hiện tại, nhiều người vẫn hy vọng rằng, sau những cú sốc lớn, các con của ông Thành, bà Bưởi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sự nghiệp của cha mẹ. Đó mới là cái kết có hậu của thương hiệu một thời.