TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử TP.HCM, cảnh báo: Để việc phát triển ven sông bền vững thì không nên chăm chăm nhìn vào 2 bên bờ sông nhằm phát triển bất động sản vì dễ gặp phải những sai lầm như trước đây.
Mới chỉ lo chiếm mặt sông xây nhà
Theo TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử TP.HCM, một trong những điều đặc biệt của TP.HCM là tính chất sông nước. Hệ thống sông không chỉ kết nối các tỉnh, thành mà còn hướng biển, tạo nên tính chất cởi mở về văn hóa và quyết định tiềm năng kinh tế của TP.HCM.
Bà Hậu lưu ý, việc phát triển kinh tế ven sông của TP.HCM phải quan tâm đến sự thuận lợi cho cư dân thành phố. Để việc phát triển ven sông bền vững thì không nên chăm chăm nhìn vào 2 bên bờ sông nhằm phát triển bất động sản vì dễ gặp phải những sai lầm như trước đây. Thay vào đó phải chú trọng phát triển mặt sông, tạo hệ sinh thái cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan 2 bờ sông.
Theo ông Trần Văn Mười – Giám đốc Công ty TNHH Nhà đất Nhân Mười, thành phố không chỉ phát triển về đường sông mà còn tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Vì vậy, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cần hoạch định những tuyến đường ven sông để khi khách tới với TP. HCM có thể đi ven sông, ngắm nhìn được giá trị của hệ thống sông ngòi thành phố, đồng thời kết nối thuận tiện với bến thủy nội địa.
Ông Richard Ward, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Corsair Marine International, chuyên đóng tàu ở Australia và tham gia sản xuất ở Việt Nam hơn 10 năm nay vì muốn tận dụng cơ hội từ hệ thống sông ngòi, biển rất rộng lớn, rộng khắp, là tiền đề quan trọng để phát triển du thuyền và các dịch vụ liên quan.
“Chúng tôi đã tăng doanh thu gấp đôi trong một năm qua. Tôi tin tưởng rằng trong hai năm tới doanh thu công ty sẽ tăng tới 200%”, ông Richard Ward nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP. Thủ Đức, chia sẻ ngay từ khi thành lập, TP. Thủ Đức đã xây dựng các chương trình phát triển kinh tế ven sông, đã khảo sát dọc sông Sài Gòn.
TP. Thủ Đức muốn xây dựng không gian đô thị dọc bờ sông, đáp ứng không gian kiến trúc, phát triển kinh tế ven sông, gắn với du lịch. TP. Thủ Đức luôn nỗ lực phát triển kinh tế ven sông dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với 7 đoạn có tiềm phát triển dọc sông Sài Gòn.
Đơn cử như Khu đô thị Vạn Phúc có tiềm năng phát triển kinh tế ven sông, Công viên sinh thái, khu vui chơi ngoài trời. Một số đoạn khác như An Khánh; Trường Thọ; Thảo Điền – An Phú; Hiệp Bình Phước; Hiệp Bình Chánh; An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Khánh; Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi.
Các đoạn trên có đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế ven sông, các dịch vụ về đêm, đường thủy… Hiện TP. Thủ Đức đang đang tiếp tục rà soát, triển khai và tổ chức thực hiện.
Mở hướng du lịch sông nước
Hiện TP.HCM có 101 tuyến giao thông thuỷ với 913km, kết nối sông Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp. TP.HCM có 135 tài nguyên du lịch gắn với tuyến sông, kênh rạch.
Để phát triển du lịch, Sở Du lịch TP. HCM đã xây dựng ba nhóm sản phẩm du lịch chủ lực từ nay đến năm 2025. Nhóm thứ nhất là du lịch đường thủy, du lịch giải trí, hoạt động về đêm, du lịch sự kiện – lễ hội; Nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm chính tham quan di tích, văn hóa, du lịch MICE, ẩm thực, mua sắm; Nhóm ba là sản phẩm bổ trợ, sinh thái, y tế, cộng đồng…
Về hạ tầng phục vụ hành khách, có 73/230 cảng, bến tàu phục vụ hoạt động du lịch như bến Bạch Đằng, cầu tàu số 1 phục vụ tàu về Bình Quới, Thanh Đa kết nối TP Thủ Đức, đi Bà Rịa Vũng Tàu bằng tuyến tàu cao tốc…
Theo kế hoạch, Sở Du lịch TP.HCM sẽ đưa thêm ba tuyến du lịch mới vào là tuyến ngắn dưới 10km, Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, nước Campuchia… có năm doanh nghiệp đang khai thác. Đây được đánh giá 1 trong 10 tuyến giao thông đường thủy đặc sắc của thế giới.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách.
Ông Richard Ward cho rằng khi phát triển du lịch đường thủy, TP.HCM cần phát triển hạ tầng hỗ trợ và nếu không tính toán trước sẽ khó có thể phát triển du lịch đường thủy và ngành du thuyền. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ở Việt Nam cũng cần phải thay đổi, cởi mở hơn.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM, cho biết TP.HCM sẽ tận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng du lịch và hạ tầng du lịch nội địa. TP.HCM cũng đã xác định để phát triển du lịch đường sông cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp và người dân, tổ chức xúc tiến du lịch đường thủy…. Tuy nhiên, bà Hiếu cũng nhận định hiện tour tuyến cho các sản phẩm du lịch đã có nhưng việc du khách tiếp cận với các sản phẩm này còn nhiều bất tiện.