Thương hiệu này hợp tác Mercedes-Benz làm hệ thống trạm sạc tại các quán cà phê. Đây là cái tên mới nhất tham gia trào lưu “bán lẻ x sạc xe” đang lên thời gian gần đây, trong đó có cả Việt Nam.
Trong lúc sạc xe, tài xế có thể nghỉ ngơi uống cà phê
Starbucks sẽ lắp đặt hơn 100 trạm sạc có khả năng sạc nhanh, sạc được 80% pin trong khoảng 30 phút, tại các quán cà phê trong chuỗi. Các trạm sạc này sẽ tương thích với tất cả các thương hiệu xe điện.
Các trạm sạc mới sẽ giúp giảm bớt sự lo lắng về thiếu trạm sạc cho người đi xe điện, đồng thời mang lại cho họ một địa điểm nổi tiếng và dễ tiếp cận để dừng lại khi pin yếu.
Thiếu trạm sạc vẫn là một trở ngại lớn đối với xe điện. Trong một cuộc khảo sát của McKinsey vào tháng 6, 46% chủ sở hữu xe điện tại Hoa Kỳ được thăm dò cho biết họ có khả năng quay trở lại sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, với lý do lo lắng hệ thống trạm sạc chưa đủ sẵn sàng.
Mặc dù các nhà sản xuất xe điện đã có được bước tiến đáng kể về quãng đường chạy được trong 1 lần sạc pin, đã tăng gấp 3 lần so với cách đây vài năm, nhưng thiếu trạm sạc vẫn là một mối lo chưa thể xóa đi.
Michael Kobori, giám đốc phát triển bền vững của Starbucks, cho biết trong một tuyên bố: “Hợp tác với Mercedes là bước tiếp theo trong việc mở rộng mạng lưới sạc xe điện của chúng tôi để khách hàng có thể tiếp nhiên liệu bền vững trong khi thưởng thức Starbucks”.
Starbucks cũng hợp tác với Volvo vào năm 2022 để đặt các trạm sạc tại 15 cửa hàng Starbucks.
Mô hình các chuỗi bán lẻ làm sạc xe đang phất lên thời gian gần đây. Các nhà bán lẻ tính toán rằng, không như xe xăng, xe điện cần một thời gian lâu hơn nhiều để sạc. Nếu trong các cửa hàng có trạm sạc thì các tài xế sẽ ăn uống, mua sắm trong khoảng thời gian chờ đợi sạc xe. Đây là một mối quan hệ cả hai bên cùng có lợi cho các nhà bán lẻ và các hãng làm xe điện.
Với suy nghĩ đó, rất nhiều chuỗi bán lẻ đã tham gia vào cuộc chơi làm trạm sạc. VinFast là một người tiên phong khi có ý tưởng mỗi một cửa hàng Vinmart là một trạm sạc xe từ khá lâu.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cũng công bố kế hoạch làm trạm sạc trên khắp Bắc Mỹ. Chuỗi đồ ăn nhanh Subway cũng tuyên bố sẽ tích hợp điểm sạc xe điện tại những cửa hàng bánh sandwich của mình.
Bài bản hơn một chút có Tesla. Họ đăng ký hẳn nhãn hiệu thương mại cho mô hình “nhà hàng x sạc xe” của mình, và tháng 10 năm ngoái họ đã động thổ dự án này.
Đến cả các chuỗi khách sạn như Marriot hay Hilton cũng tham gia làm sạc xe.
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Tháng 4 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông tư “yêu cầu” các trạm dừng nghỉ loại 1 – 2 và “khuyến khích” các trạm dừng nghỉ loại 3-4 phải xây dựng trụ sạc, điểm đỗ riêng cho xe điện.
Không chỉ vậy, số lượng điểm đỗ xe điện phải chiếm 10% tổng số chỗ đỗ xe. Trong khi đó, các trạm loại 3 và 4 “được khuyến khích” xây dựng cơ sở hạ tầng này.
Có thể thấy, với sự ưu ái của các chính phủ cho xe điện và hiện trạng trạm sạc chưa đủ rộng khắp theo nhu cầu, mô hình “bán lẻ x sạc xe” vẫn sẽ còn phát triển rộng tiếp trong thời gian tới.