Sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ

Lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang có dấu hiệu phục hồi, số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Mỹ tăng lên…, kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm – Ảnh minh họa.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 17%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

Trong 7 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,48 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 19,27 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Trong 7 tháng năm 2024 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 10 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,5%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiêm 46,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 13,02 tỷ USD, chiếm 6,1%.

Về thị trường, trong 7 tháng năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khâu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 57,5 tỷ USD tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%; nhập siêu từ Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 21%.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo dữ liệu OECD, khoảng 43% giá trị ngành sản xuất của Việt Nam được sử dụng cho xuất khẩu. Do đó, hoạt động thương mại phục hồi trong 7 tháng đầu năm 2024 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất trong nước.

Do ngành sản xuất chiếm hơn 50% số lao động chính thức, những sự tăng trưởng trong ngành này đã cải thiện thu nhập và việc làm của người lao động, giúp tâm lý tiêu dùng và tăng trưởng bán lẻ phục hồi trong 7 tháng đầu năm 2024.

Ngoài ra, dữ liệu sản xuất PMI cho thấy trạng thái đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam vẫn đang khả quan hơn nhiều quốc gia có định hướng xuất khẩu như Trung Quốc và Đài Loan. Điều này góp phần củng cố thị phần xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam (Cuối 2023 đạt mức 1,8%).

Xuất khẩu tiếp tục phục hồi

Đánh giá về triển vọng ngành xuất nhập khẩu Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2024, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, việc tăng cường thu hút FDI sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thương mại. Theo UNCTAD, chỉ có ba quốc gia ASEAN ghi nhận tăng trưởng trong thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2023 là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia với mức tăng trưởng lần lượt là 42%, 32,1% và 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, quy mô thu hút vốn FDI của Việt Nam là lớn nhất trong ba nước. Điều này cho thấy Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và xu hướng dịch chuyển/đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, xuất khẩu tiếp tục phục hồi khi nền kinh tế của phần lớn các đối tác thương mại lớn của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn năm 2023. Theo báo cáo từ IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lạc quan hơn so với kỳ vọng trước đó. GDP của hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm ngoái. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dự báo đạt 2,6%. GDP Trung Quốc cũng tăng trưởng 5%. Trong khi đó, GDP khu vực Eurozone chậm lại với dự báo tăng trưởng dưới 1%.

Niềm tin người tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi.

Về mặt giá cả, lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh, một phần do chính sách tiền tệ diều hâu của các ngân hàng trung ương, cùng với sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu ở Trung Quốc. Điều này kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng tại các thị trường.

Bên cạnh đó, niềm tin người tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng về điều kiện kinh tế tại các thị trường trọng điểm cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Theo đó, tâm lý tiêu dùng dường như đã ổn định hơn và đang có sự phục hồi nhẹ (thị trường EU, UK).

Ngoài ra, tại Mỹ – thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam – ghi nhận doanh số bán lẻ vẫn ổn định, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Mỹ tăng lên hàm ý sự lạc quan hơn về nhu cầu trong tương lai. Do đó, PSI kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Cũng theo PSI, trong khoảng cuối tháng 7/2024 và đầu tháng 8/2024, Mỹ dự kiến sẽ đưa quyết định cuối cùng về việc nâng hạng vị thế cho Việt Nam. Đơn vị này đánh giá, việc nâng hạng sẽ mang lại lợi ích chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam như: Mở đường cho các doanh nghiệp Việt tăng cường hoạt động thương mại với thị trường Mỹ; Cơ chế thuế tốt hơn được áp dụng hoặc điều chỉnh.

“Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng ngay cả khi không có quyết định nâng hạng này, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm nay do trong điều kiện bình thường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, PSI nhận định.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng đánh giá, kinh tế toàn cầu phục hồi đang tác động rất tích cực tới xuất nhập khẩu của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau tháng 01/2024.

TPS cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố thuận lợi như: Tỷ giá tiếp tục giữ ở mức cao nên giá cả hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn so với hàng hóa được sản xuất ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi GDP quý II của quốc gia này tăng trưởng rất cao, đạt 2,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 2,1% và cao hơn mức tăng trưởng quý I/2024(tăng 1,4%).

“PMI tháng 07 của Mỹ giảm nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi kỳ vọng mức ảnh hưởng sẽ không nhiều. Xét về dài hạn, xu hướng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ tác động rất tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam”, TPS nhận định.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp