Suy giảm đơn hàng toàn cầu, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM gửi đơn cầu cứu

Đối mặt với khó khăn do đơn hàng toàn cầu liên tục suy giảm, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã gửi đơn ‘cầu cứu’ đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, mong có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và Thủ công mỹ nghệ vượt qua giai đoạn khốn khó này.

Ngành gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn khách quan chưa có tiền lệ khi thế giới trãi qua đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga – Ukraina, lạm phát toàn cầu tăng, chi phí vận chuyển tăng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng trong và ngoài nước thắt chặt chi tiêu, ưu tiên hàng hoá thiết yếu, cắt giảm hàng gia dụng, trong đó có đồ gỗ khiến cầu về gỗ giảm mạnh.

Đại dịch Covid kéo dài hơn hai năm gây ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động toàn ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ do công nhân quay trở lại quê nhà và không quay trở lại, cộng với tình hình cắt giảm nhân công do đợt sụt giảm đơn hàng toàn cầu lần này lại làm cho đời sống công nhân lao động toàn ngành thêm phần bế tắc.

Ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đang đối mặt với hàng loạt khó khăn

Khảo sát nhanh tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của 52 doanh nghiệp hội viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho thấy hơn 90% doanh nghiệp giảm đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó,15 doanh nghiệp có mức sụt giảm đơn hàng từ 10 đến 30%, 18 doanh nghiệp giảm đơn hàng từ 30 đến 60%, 14 doanh nghiệp có mức giảm mạnh từ 70 đến 90% đơn hàng, chỉ có 5 doanh nghiệp tăng trưởng từ 10 – 30% lượng đơn hàng.

Những con số khảo sát cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang phải lao đao vì sụt giảm doanh thu đáng kể. Có đến 73% doanh nghiệp giảm doanh thu với mức giảm từ 10 đến 90%; chỉ 17% doanh nghiệp có mức tăng doanh thu từ 10 – 30%.

Khủng hoảng kéo dài nhiều tháng nay khiến 65% doanh nghiệp cắt giảm lao động và phần lớn giảm trong khoảng từ 20-50%;19% doanh nghiệp giữ nguyên số lượng lao động và chỉ có 16% doanh nghiệp tuyển thêm lao động.

Về tình hình xuất hàng trễ so với lịch dự kiến, có 75% doanh nghiệp có tình trạng xuất hàng trễ và có 32% trễ từ 30 đến 90 ngày và có 7.6% trễn trên 90 ngày hoặc chưa có lịch xuất hàng.

Bên cạnh đó, 56% các doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến tín dụng như: Doanh nghiệp không được hỗ trợ gia hạn tín dụng hay vay lãi suất; Lãi suất vay cao; Thời gian cấp vốn, giải ngân chậm; Khách hàng dời ngày xuất liên tục nên dòng tiền bị giảm; Thời gian tiền về từ khách hàng muộn hơn so với giai đoạn trước đó.

Được biết nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất trong bối cảnh chi phí về nhân công tăng do phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang phải đổi mặt với tình trạng giá cả đầu vào leo thang, chi phí vận chuyển, nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao mỗi ngày.

Giai đoạn khủng hoảng này được xem là bước ngoặt đầy chông gai của ngành gỗ sau nhiều năm giữ vững vị trí top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 con số. Ngành chế biến gỗ cũng mang lại thặng dư xuất khẩu đứng thứ 3 trong những năm gần đây, đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam đạt 14,12 tỷ USD, phấn đấu mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025, và 25 tỷ USD vào năm 2030 theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030.

Hiện, xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ – thị trường chủ lực giảm mạnh. Theo khảo sát của Công ty kế toán Smith Leonard’s Furniture Insights: Trong 5 tháng đầu năm 2022 đơn hàng đồ nội thất đã sụt giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ riêng tháng 5, mức sụt giảm đã là 41%. Về mức độ tồn kho hàng nội thất thì hàng tồn kho tiếp tục tăng và tăng 41% so với tháng 5 năm ngoái và tăng 9% so với tháng 4 năm 2021.

Tình hình sụt giảm đơn hàng được dự đoán còn tiếp tục kéo dài nhiều tháng tới

Tại thị trường Mỹ, hiện đang có thông tin xảy ra tình trạng hủy các đơn hàng do trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều nhà bán lẻ thông báo đã đầy kho thậm chí còn thuê thêm không gian để chứa hàng. Tình hình sụt giảm đơn hàng được dự đoán sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa do ảnh hưởng của lạm phát tại Mỹ tăng cao cũng như giá xăng dầu chưa có dấu hiệu giảm.

Đối mặt với khó khăn chồng chất, Ban chấp hành HAWA đã có buổi họp đột xuất để thảo luận, đề ra những hành động hỗ trợ kịp thời về tài chính cho Hội viên, và nhận thấy dòng chảy tài chính là trụ cột quan trọng nhất để doanh nghiệp duy trì và phát triển. Vì thế, Ban chấp hành HAWA cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cấp thiết phải có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ để tránh việc giải thể hàng loạt vì doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời về tài chính trong giai đoạn này và cũng là giữ vững các mục tiêu kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 khi ngành gỗ đã giữ vị trí top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021.

HAWA đã đề xuất với Chính phủ cho phép các doanh nghiệp ngành gỗ và Thủ công mỹ nghệ đang duy trì sản xuất kinh doanh được giãn nợ thêm một chu kỳ vay. Đối với các doanh nghiệp ngành gỗ và Thủ công mỹ nghệ đang duy trì xuất khẩu thì căn cứ vào kim ngạch xuất khẩu của từng doanh nghiệp sẽ được nhận 2% tương ứng theo nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Đồng thời HAWA cũng mong muốn Chính phủ nhanh chóng hoàn thuế cho các doanh nghiệp này để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì mục tiêu về xuất khẩu.

Theo TTV