Tăng hấp thụ vốn, dưỡng sức doanh nghiệp

Cứ mỗi tháng trong 3 tháng đầu 2024, Việt Nam mất đi khoảng 5 nghìn trong tổng số lượng doanh nghiệp.

Tăng hạn mức giá trị khoản vay, nới định kỳ thời gian vay cho doanh nghiệp là giải pháp tốt để TCTD vừa tăng trưởng dư nợ cho vay, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp sức, giúp doanh nghiệp trụ vững và có cơ hội phát triển rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đang phục hồi, các cân đối lớn đảm bảo và thị trường bên ngoài đã “sáng” hơn.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia Kinh tế phân tích, ngay trong nhóm 1 thuộc phương châm “5 tăng” của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ đã nêu đối tượng rõ về việc “Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới”. Theo đó, chúng ta thấy vấn đề hấp thụ tín dụng hiện nay của nhóm SME đang gặp khó khăn vì:

Trước hết, khả năng đầu ra – đơn hàng – sức tiêu thụ. Xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại (hơn 24%) và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng là tín hiệu tích cực. Do đó việc tháo gỡ vướng mắc về tài sản thế chấp, linh hoạt tăng cho vay trên đơn hàng, dòng tiền sẽ giúp các tín hiệu tích cực này có động lực đột phá. Đây cũng chính là thời điểm để thúc đẩy giải ngân của gói 30.000 tỷ đo ni đóng giày hỗ trợ nhóm ngành lâm, thủy sản.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group, chia sẻ về nhiều tình huống xuất khẩu hàng nông sản; trong đó có đơn hàng phải đến 9 tháng khách hàng mới trả tiền; doanh nghiệp bán hàng chỉ có hạn mức nhất định trong 3-6 tháng, vừa phải chịu sức ép dòng tiền, vừa chịu rủi ro về giá cả hàng hóa có thể lên cao sau bán.

Vì vậy, Chủ tịch Phúc Sinh cho rằng tăng hạn mức cả về giá trị khoản vay lẫn nới định kỳ thời gian vay cho doanh nghiệp là giải pháp tốt nhất để TCTD vừa tăng trưởng dư nợ cho vay, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cả bên cho vay – bên vay và đặc biệt doanh nghiệp sẽ tăng khả năng trả nợ khoản vay, giữ và phát triển thị trường, giảm nợ xấu.

Với động lực truyền thống gồm cả đầu tư công và tiêu dùng nội địa, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, quyết tâm tăng tốc giải ngân đầu tư công trong năm nay của Chính phủ hi vọng không bị chậm lại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã trình đề xuất kéo dài giảm thuế VAT 2%, yêu cầu không tăng giá ngay khi tăng lương, vừa đảm bảo kiểm soát vừa thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng nội địa và tăng khả năng về cầu vốn của các động lực tăng trưởng truyền thống này.

Đối với các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… ông Hiệp lưu ý bên cạnh nguồn vốn tín dụng (vốn đang chiếm tỷ trọng thấp), rất cần sự phối hợp của các quỹ để tăng tốc thúc đẩy hỗ trợ tiếp vốn, như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hay các chương kích cầu tín dụng, hỗ trợ chuyển đổi số… của từng địa phương.

Tựu trung, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cần 4 giải pháp lớn để tiếp sức doanh nghiệp hiệu quả, gồm cả các giải pháp mở rộng ra ngoài tiền tệ – tín dụng.

Thứ nhất, thể chế cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Thứ hai, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó trong nguồn vốn và chính sách thuế. Thứ ba, cần thay đổi chính sách thuế phù hợp và phân loại chịu thuế cho phù hợp với từng loại doanh nghiệp. Thứ tư, tăng cường hỗ trợ xúc tiến, hợp tác… tạo ra nhiều thị trường mới giúp doanh nghiệp phát triển thêm đầu ra để có cơ sở căn cơ hơn cho phục hồi, tăng tốc phát triển.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp